![]() |
Chuyên đề dân tộc thiểu số và miền núi của Báo Công Thương đến với bà con dân tộc |
Năm 2016 là năm công tác dân tộc thực hiện được nhiều nhiệm vụ lớn. Trong đó, riêng UBDT đã nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện 19 đề án, chính sách dân tộc trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (7 đề án chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, 4 đề án chính sách đang chờ xem xét phê duyệt); chủ trì quản lý, chỉ đạo thực hiện 12 chính sách; xây dựng 5 thông tư, ban hành nhiều quyết định và văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách dân tộc.
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của UBDT vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu đến từ Ban dân tộc các tỉnh cho rằng, không ít chính sách không còn phù hợp, không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Lãnh Thế Vinh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh - ví dụ: Theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), bên cạnh được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng, còn có thêm nhiều ưu đãi khác. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vùng ĐBKK giờ đây đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất được trang bị tương đối tốt. Đây chính là lý do khiến người “xung phong” công tác ở vùng ĐBKK ngày càng nhiều. Không ít người hết thời gian quy định cũng không muốn chuyển về vùng thuận lợi.
![]() |
Các chính sách dân tộc đều hướng tới mục tiêu mang lại cuộc sống tốt nhất cho đồng bào |
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - nêu con số cụ thể: Thực hiện Nghị định 116, trong 5 năm, số tiền trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang ở vùng ĐBKK của Nghệ An là 3.000 tỷ đồng (tương đương 600 tỷ đồng/năm), trong khi nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135 chỉ khoảng 150 tỷ đồng/năm.
Với chính sách hỗ trợ tiền hàng tháng cho hộ nghèo, nhiều đại biểu băn khoăn: Số tiền cho hàng tháng không giúp hộ nghèo bớt nghèo, mà lại tăng sự ỷ lại. Nên chăng, dùng số tiền này để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế sẽ hiệu quả hơn.
Đến từ Ban tộc Hà Nội, ông Nguyễn Tất Vinh kiến nghị: Thủ đô Hà Nội đang tự cân đối bằng ngân sách nên Ban Dân tộc Hà Nội “không xin tiền mà xin cơ chế”. Cụ thể, Ban rất cần có khung chính sách cũng như những hướng dẫn cụ thể để Hà Nội có thể sử dụng nguồn ngân sách một cách hiệu quả. Với các tỉnh còn khó khăn như Kon Tum, Bình Phước, Cà Mau…, các đại biểu tiếp tục kiến nghị được bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án cho các vùng khó khăn, thay vì cấp “nhỏ giọt” như hiện nay: “Với đặc thù các ấp ở xa, địa hình phức tạp, nếu cấp vốn như hiện nay, sẽ rất ít công trình hoàn thành như kế hoạch” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau bổ sung.
Bên cạnh đó, hầu hết các Ban dân tộc đều lo ngại chưa nhận được sự phối hợp của các ban, ngành để phát huy tốt nhất vai trò quản lý của cơ quan làm công tác dân tộc…
Trước những trăn trở và kiến nghị của các Ban dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng, các chính sách đều hướng tới mục tiêu mang lại cuộc sống tốt nhất cho đồng bào. Tuy nhiên, áp dụng, triển khai như thế nào để không làm méo mó chính sách… lại cần đến sự tận tâm, nhiệt huyết và am hiểu của những cán bộ làm công tác dân tộc.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định: Năm 2017, UBDT sẽ tổ chức nhiều chương trình đi thực tế để tìm hiểu, rà soát chính sách. Chính sách nào chưa phù hợp sẽ sửa đổi, chính sách nào bất cập sẽ tính toán để thu hẹp vùng miền, cũng như đối tượng thụ hưởng… Cùng với đó, UBDT sẽ đặc biệt lưu ý đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp cán bộ để phát huy năng lực, chuyên môn được đào tạo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến: Trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc tìm nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc ngày càng khó. Vì vậy, việc triển khai phải đi vào thực chất, khen - chê rõ ràng, chống bệnh hình thức, bệnh thành tích. |