“Ma trận” đồng hồ giả

Những chiếc đồng hồ “hàng hiệu” giá hời ngày càng được làm tinh xảo, khó nhận biết thật - giả bằng mắt thường. Trên thị trường, xuất hiện nhiều loại đồng hồ được quảng cáo là “hàng xách tay” nhưng không có hóa đơn, giả nhưng được giới thiệu là hàng chính hãng để lừa dối người tiêu dùng, bày bán tràn lan trên mạng.

Để sở hữu được một chiếc đồng hồ chính hãng có thương hiệu nổi tiếng, người mua sẽ phải chi số tiền lớn. Tuy nhiên, vẫn có tâm lý muốn dùng “hàng hiệu” với chi phí rẻ. Do đó, thị trường đồng hồ “fake” luôn rất sôi động do đánh đúng vào thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng.

Không khó để nhận thấy trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, hoạt động buôn bán đồng hồ giả diễn ra rầm rộ. Theo một chủ shop chuyên bán trang sức, đồng hồ trên mạng xã hội tiết lộ, đa phần loại sản phẩm này đều được dân buôn gom hàng số lượng lớn từ Hồng Kông, Singapore và một số tỉnh sát biên giới Việt - Trung. Hàng giả có nhiều loại, giá khác nhau. Với những loại hàng “super fake”, giá cao hơn vì làm khá cầu kì và rất giống hàng thật, có thể lên tới hàng triệu đồng/chiếc nên khi về Việt Nam sẽ được đẩy lên hàng chục triệu đồng với cái mác “hàng chính hãng”, muốn hãng nào cũng có. Tinh vi hơn nữa đó là hình thức bán các loại đồng hồ giả trà trộn đồng hồ thật với những cái tên nghe “rất Tây” và được gắn mác Made in Germany, Swiss, Omega, Rolex, Chanel… Những khách hàng không có kinh nghiệm rất dễ bị hoa mắt khi được tư vấn “hàng hiệu giá rẻ” nhưng thực tế lại mua hàng giả, giá cao.

Nhiều đồng hồ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Thực tế, không ít người sành rất khó phát hiện đâu là đồng hồ thật - giả, bởi hàng giả được làm rất tinh xảo, sắc nét từ hình thức đến tem mác của nhà phân phối. Cùng một thương hiệu, có người rao bán tiền triệu nhưng cũng có người chỉ rao bán với giá chỉ 99.000 đồng. Thậm chí, đăng ảnh rao bán là hàng thật nhưng khi giao đến cho khách hàng lại giao hàng giả. Sau khi trả tiền, khách hàng chỉ nhận được những chiếc đồng hồ có dấu hiệu giả mạo bởi không hề có sổ bảo hành cũng như hóa đơn kèm theo.

Thời gian qua, không ít các cơ sở buôn bán đồng hồ giả mạo đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản. Thế nhưng, đa số chỉ bị xử phạt hành chính, vì vậy, không ít cơ sở bán hàng gần như chấp nhận bị phạt để được kinh doanh những chiếc đồng hồ giả siêu lãi này đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, thị trường đồng hồ Việt Nam còn rất phân mảnh, phần lớn thị trường nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ. Với tình trạng đồng hồ “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên trang bị kiến thức phù hợp để trở thành người tiêu dùng thông minh và bảo vệ chính túi tiền của mình trước những mánh khóe tinh vi của người bán hàng.

Cục Quản lý thị trường Nghệ An mới đây đã ra Quyết định thu phạt gần 30 triệu đồng và tịch thu 500 đồng hồ giả mạo nhãn hiệu HUBLOT đã được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định.

Anh Trang
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận