Lương tối thiểu vùng 2017: Đạt đồng thuận tăng 7,3%

Chiều 7/9, Ủy viên Bộ Chính trị – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công chủ trì cuộc họp bàn về mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2017.
\"\"
Mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017 đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiên cứu, xem xét và cho ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động năm 2017.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Minh Huân cho biết để chuẩn bị tăng lương trong năm 2017, Hội đồng Tiền lương quốc gia (Hội đồng) đã họp và báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Theo đó, đại diện cho người lao động mong muốn lương tối thiểu được điều chỉnh nhiều hơn để bảo đảm đời sống người lao động tốt hơn, trong khi người sử dụng lao động nêu nhiều thực tế khó khăn. Trên cơ sở đó, Hội đồng chốt lại phương án tăng từ 7,1%-7,5%. Cụ thể: vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng (tăng 7,1%); vùng 2 tăng 220.000 đồng (tăng 7,1%); vùng 3 tăng 200.000 đồng (tăng 7,4%); vùng 4 tăng 180.000 đồng (tăng 7,5%). Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng tối thiểu là 213.000 đồng (tăng 7,3% so với năm 2016).

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017 đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay.

Cũng theo ông Huân, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang soạn thảo nghị định lấy ý kiến của các bộ, ngành địa phương về việc này, sau đó báo cáo Chính phủ trong tháng 9.

Còn theo một thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, việc lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ được đưa ra sau khi có nhiều tranh cãi về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Đặc biệt, gần đây Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Dệt may (Vitas), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam… đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 hoặc giãn thời gian tăng lương.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Chính phủ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia khẳng định phương án hội đồng đưa ra sẽ bảo đảm bù đủ trượt giá năm 2016 để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động (dự kiến khoảng 4,5%-5%), cải thiện theo mức tăng năng suất lao động khoảng 2%-2,5%.

Mặt khác, phương án này cũng đã tính đến phần lương mà năm 2016 đã điều chỉnh ở mức cao (năm 2016 điều chỉnh tăng 12,4% so với năm 2015, trong đó dự kiến chỉ số giá sinh hoạt CPI là 5%-6,5% nhưng thực tế chỉ có 0,63%).

Đồng thời, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tính đến điều kiện việc làm, thất nghiệp, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn (nhất là doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may…). Đặc biệt, hội đồng đã tính đến khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh năm 2016-2017 thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người lao động trên mức lương và phụ cấp lương.

Theo Hội đồng Tiền lương Quốc gia, việc tăng lương trên dự báo sẽ làm tăng khoảng 0,3%-0,5% chi phí cho doanh nghiệp, trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,7%-2,7%.

Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận