![]() |
Luật Chăn nuôi sẽ tạo hành lang phát lý cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững |
Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến: \"Từ Luật Chăn nuôi đến Tiêu chuẩn thịt mát: Quyền được tiếp cận thực phẩm tươi, ngon, sạch và sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Báo điện tử Dân Việt tổ chức chiều ngày 5/11, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, đây là văn kiện lớn nhất của ngành chăn nuôi từ trước tới nay. Trước đây, chúng ta mới chỉ có Pháp lệnh Giống và vật nuôi được Quốc hội ban hành từ năm 2004. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (TĂCN) hiện cũng mới chỉ quản lý ở cấp nghị định, các lĩnh vực khác như môi trường, điều kiện chăn nuôi chưa có văn bản pháp luật quản lý ngành.
Cũng theo ông Dương, ở các nước trong khu vực và trên thế giới, các luật được ban hành riêng, ví dụ như luật thức ăn, luật giết mổ, luật giống, luật điều chỉnh kiểm soát dịch bệnh… Nước ta đi sau, nên đã nghiên cứu tích hợp toàn bộ các quy định liên quan đến chăn nuôi vào một văn bản luật, gọi là Luật Chăn nuôi. Việc quy định trong một văn bản sẽ tiện lợi trong quá trình thực thi pháp luật sau này, không sợ có quá nhiều văn bản, chồng chéo.
Sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua ở kỳ họp thứ 5, cấu trúc của Luật Chăn nuôi lúc đó có 8 chương 65 điều, trong đó một số quy định chưa đạt yêu cầu mong muốn. Sau khi có nhiều ý kiến tham gia, cơ quan soạn thảo là Bộ NN&PTNT, Uỷ ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội tiếp tục bổ sung, tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tổ chức các cuộc hội thảo hoàn thiện văn bản luật.
Cấu trúc của phiên bản lần thứ 6 này vẫn có 8 chương, nhưng lên tới 82 điều. Trong đó, tích hợp các quy định liên quan đến Luật Chăn nuôi thành một chuỗi khép kín, từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến kết nối thị trường... Nghĩa là xuyên suốt toàn bộ Luật này thể hiện ngành chăn nuôi là ngành kinh tế xã hội lớn, bao gồm các vấn đề sản xuất, kinh doanh đáp ứng các yêu cầu an ninh lương thực, thực phẩm, công ăn việc làm của đại bộ phận người nông dân, những người tham gia lĩnh vực chăn nuôi và bảo vệ môi trường.
Những lĩnh vực gì chỉ ở chăn nuôi thì được Luật quy định chi tiết như giống, thức ăn, điều kiện chăn nuôi; còn những lĩnh vực đã được quy định ở luật khác thì chỉ đưa vào ở mức nguyên tắc, ví dụ như môi trường, đa dạng sinh học, giết mổ chế biến (có Luật Thú y, An toàn thực phẩm), thị trường (luật Thương mại)…
Mục tiêu của Luật là tạo điều kiện tốt nhất, giải phóng các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Quan trọng nhất là phải xã hội hoá dịch vụ công, tiến tới cả người chăn nuôi, nhân dân, tổ chức xã hội cũng được tham gia vào quá trình này, qua đó nhằm góp phần thực hiện luật được công khai minh bạch.
Điểm mới quan trọng nhất của Luật Chăn nuôi, đó là quy định chăn nuôi là ngành có điều kiện, trong đó có quy định hộ chăn nuôi, chủ trang trại phải đăng ký số lượng vật nuôi với địa phương; quy định số lượng đơn vị vật nuôi thế nào là trang trại nhỏ, thế nào là trang trại lớn; hay các quy định về môi trường…
Một điểm mới nữa là ngoài quy định về gia súc gia cầm, động vật nuôi bán hoang dã, Luật cũng có quy định về một số vật nuôi khác, với danh mục cụ thể.
Đặc biệt, một điểm lưu ý trong Luật là đã đưa vào quyền vật nuôi, hay nói cách khác là đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, chế biến, kết nối thị trường các sản phẩm chăn nuôi là lĩnh vực yếu kém nhất trong ngành nông nghiệp nước ta hiện nay, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Nếu chỉ rang, luộc thì không thể ăn được nhiều, tiêu thụ bị hạn chế, mà phải chế biến thành nhiều sản phẩm khác như dăm bông, xúc xích, các sản phẩm phục vụ du lịch… Do đó, Luật đã dành hẳn chương 6 quy định về vấn đề này.
Một điều quan trọng nữa là chuyển từ chăn nuôi không có điều kiện sang có điều kiện sẽ phải có lộ trình, sau khi Luật có hiệu lực sẽ có khoảng 3 năm để các chủ hộ chăn nuôi, trang trại thực hiện.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn thực phẩm thì khâu giết mổ chế biến có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở nước ta hiện chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ. Theo thống kế, trên cả nước có khoảng 20.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Do đó, tại chương 6, Dự thảo Luật chăn nuôi có quy định về tiêu chuẩn giết mổ, trong đó có quy định cụ thể cả về giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tập trung công nghiệp đều phải đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Nhà nước cũng có những hỗ trợ cụ thể đối với hình thức giết mổ tập trung. Đây được coi là “lực đẩy” để thúc đẩy ngành chăn nuôi nước nhà phát triển.
Dự kiến trong Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối trước khi thông qua toàn bộ dự án Luật Chăn nuôi. Có thể nói, đây là một sự kiện quan trọng của ngành chăn nuôi trong việc hoàn thành các khuôn khổ, hành lang pháp lý để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đảm bảo môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. |