Lào Cai: Mở hướng phát triển du lịch tâm linh

Nhằm chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2017, Lào Cai đang tích cực xây dựng 5 dòng sản phẩm du lịch đặc thù để phục vụ du khách, trong đó có du lịch tâm linh.
\"\"

Lễ hội Đền Thượng thu hút nhiều du khách thập phương

Lào Cai không chỉ nổi tiếng là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ hùng vĩ, cùng với văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc mà còn là nơi có hệ thống đền, chùa rất phong phú. Dọc theo sông Hồng có hệ thống di tích như đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm, đền Đôi Cô, chùa Cam Lộ thuộc địa phận TP. Lào Cai. Cũng dọc theo sông Hồng, huyện Bảo Yên, Văn Bàn có đền Bảo Hà, đền Cô Tân An, đền Chiềng Ken. Tuyến sông Chảy có đền Trung Đô, đền Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng… Đặc biệt các quần thể di tích đền Thượng và đền Bảo Hà đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh của địa phương.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng- cho biết, đền chùa tại Lào Cai có đặc điểm từng là vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phòng thủ chống quân xâm lược. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với nét văn hóa bản địa, tạo cho các ngôi đền, chùa mang dáng vẻ uy nghi lộng lẫy. Đây là chứng tích văn hóa truyền thống của người Việt ở sát nơi biên giới, lại ở vị trí có cảnh quan “sơn thủy hữu tình”, thế dựa vào núi, những cây cổ thụ dấu tích của khu rừng cấm xa xưa tạo vẻ linh thiêng, huyền bí. Với nét riêng biệt này, cùng với nhu cầu du lịch tâm linh của người dân ngày càng phát triển nên thời gian qua số lượng khách chiêm bái, tham quan cảnh đền chùa tại địa bàn Lào Cai ngày một tăng.

Dựa vào thế mạnh về nguồn văn hóa di tích lịch sử phong phú và nhu cầu thực tế của thị trường, Lào Cai đã chọn du lịch tâm linh là một trong năm dòng sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn cho Năm Du lịch quốc gia 2017 do địa phương chủ trì. Tuy nhiên, ngành Du lịch Lào Cai cũng đang rất trăn trở khi những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều hơn tình trạng biến tướng, thương mại hóa xô bồ trong các đền, phủ làm giảm đi giá trị của di tích, văn hóa đền chùa của địa phương. Để hạn chế tình trạng này, Trưởng Ban Quản lý di tích TP. Lào Cai Lê Xuân Hân- cho hay, thành phố đã thực hiện tuyên truyền cho người hành lễ hạn chế số lượng vàng mã; không đưa vàng mã vào nội tự các đền nhằm đảm bảo không gian và môi trường cho du khách khi đến tham quan, chiêm bái. Đồng đền, thủ nhang, thầy cúng trực tiếp hướng dẫn nhân dân và du khách dâng hương, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng quy định.

Tỉnh Lào Cai xác định, phát triển du lịch là nhiệm vụ đột phá mang tính ưu tiên trong phát triển kinh tế, tiến tới đưa Lào Cai là một trong những điểm đến du lịch bậc nhất của vùng Tây Bắc, đón 4,5 triệu lượt khách/năm, với tổng doanh thu xã hội từ khách du lịch năm 2020 đạt 18.000 tỷ đồng. Thị trường khách du lịch Lào Cai tập trung khai thác gồm các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, các nước khu vực Tây Âu và từng bước giới thiệu, mở rộng ra các thị trường khác. Vì vậy, Lào Cai đã đưa ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu về nguồn nhân lực, vốn đầu tư, xúc tiến quảng bá, ứng dụng khoa học - công nghệ; tổ chức quản lý quy hoạch, hợp tác phát triển du lịch, tài nguyên môi trường du lịch, cơ chế, chính sách. Đặc biệt địa phương sẽ tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm trong đó du lịch tâm linh sẽ được đầu tư, chú trọng phát triển sớm trở thành sức hút của du lịch Lào Cai đối với du khách.

Năm Du lịch quốc gia 2017 sẽ được tổ chức tại khu vực Tây Bắc trong đó Lào Cai là đơn vị chủ trì. Đây là cơ hội để Lào Cai giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự hào hùng của những chứng tích lịch sử và nét đẹp văn hóa các dân tộc, trong đó có chuỗi du lịch tâm linh.
Bảo Thoa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận