![]() |
Với sự hỗ trợ của trung tâm khuyến công, làng lụa Vạn Phúc đã có thêm nhiều mẫu thiết kế đẹp |
Theo ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, vào những năm 2007 - 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới cùng với “cơn bão” bất động sản đã khiến nhiều gia đình làm nghề dệt lụa ở Vạn Phúc quay lưng lại với nghề. Bởi giá nguyên liệu tơ năm 2009 tăng từ 450.000 đồng lên tới 1,1 triệu đồng/kg, khiến giá thành một chiếc áo lụa cao cấp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trong khi, các chất liệu tơ pha nilon, đũi ngoài thị trường chỉ từ 60.000 - 150.000 đồng/m. Điều này làm cho sản phẩm trong làng bán ra rất ít, thậm chí không người mua. Đáng lo ngại hơn, nhiều người do muốn bán được hàng nên trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng bán cho khách với giá thấp. Chỉ trong khoảng 3 năm “bão nghề” đã khiến làng lụa lao đao. Những tồn dư sau đó cũng khiến nhiều người hoang mang, lo sợ, làng lụa có thể biến mất.
Trước thực trạng đáng báo động trên, chính quyền quận Hà Đông đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Hiệp hội Làng nghề, quản lý thị trường đẩy mạnh siết chặt môi trường kinh doanh, xây dựng nếp sống văn minh trong thương mại. Đặc biệt, thương hiệu “lụa Hà Đông” được làng nghề Vạn Phúc đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ sản phẩm năm 2005.
Năm 2015 ghi nhận nhiều chương trình, hoạt động quyết liệt nhằm khôi phục nghề của làng. Cụ thể, đầu năm 2015, địa phương đã xây dựng Trung tâm lụa chất lượng cao. Các hộ gia đình tham gia bán hàng tại trung tâm phải là những hộ trực tiếp đang sản xuất, có lụa chính gốc của Vạn Phúc. Tất cả các sản phẩm từ lụa phải công khai giá, chất lượng sản phẩm, và được các cơ quan chức năng, Hiệp hội Làng nghề thẩm định chất lượng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng kêu gọi mỗi người dân Vạn Phúc hãy là một hướng dẫn viên du lịch, mỗi nhà dân là một điểm du lịch văn minh, ấm áp tình cảm xóm làng…
Đáng chú ý, trong năm 2015, được sự hỗ trợ của trung tâm khuyến công, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã đầu tư cho làng lụa Vạn Phúc một máy làm mẫu hoa văn trên lụa, với giá thành khoảng 300 triệu đồng. Nhờ có máy làm mẫu nên làng lụa đã chủ động được các mẫu thiết kế. Trước đây, mẫu hoa thiết kế xong phải gửi vào Sài Gòn làm mẫu, sau đó một thời gian mới chuyển ra. Như vậy vừa mất thời gian lại, lại dễ bị sao chép. Sự hỗ trợ này vừa khắc phục được tình trạng chậm trễ, vừa kiểm soát được mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, các mẫu mã của Vạn Phúc đã đáp ứng nhu cầu sản xuất trong địa phương, đồng thời giữ được bản quyền, quản lý được thương hiệu mà các gia đình ra làm mẫu.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt khơi dậy lòng yêu nghề của những người tâm huyết với nghề nên làng lụa Vạn Phúc đã dần được khôi phục. Tính đến hết năm 2015, cả phường Vạn Phúc có 246 máy dệt các loại, sản lượng hàng năm từ 2,5- 3 triệu mét lụa. Doanh thu từ nghề dệt của phường đạt khoảng 70 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Những mặt hàng tơ tằm của Vạn Phúc không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước mà còn xuất khẩu đi các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2016, tiếp tục đẩy mạnh quản lý và phát triển thương hiệu “lụa Hà Đông”, làng Vạn Phúc sẽ kết hợp với quản lý thị trường, Hiệp hội Làng nghề tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, đảm bảo thương hiệu làng nghề có uy tín và sức hút du lịch. Đồng thời, tích cực tham gia hội chợ thương mại, đầu tư nghiên cứu mẫu mã sản phẩm mới… để nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. |