Làng gốm sứ Bát Tràng trong dịch Covid-19

Giao thương ngưng trệ, sản xuất cầm chừng, những đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng chững lại... hoạt động sản xuất kinh doanh của Bát Tràng bị xáo trộn nặng nề dưới tác động của dịch Covid-19. Để Bát Tràng vượt qua những khó khăn trước mắt và lâu dài thì cần có những giải pháp đồng bộ.

Trong những ngày cao điểm của Hà Nội hạn chế tối đa việc đi lại do dịch bệnh, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại làng gốm Bát Tràng, hầu hết các gian hàng dọc hai bên đường và trong chợ đều vắng tanh. Hàng loạt các gian hàng đóng cửa, chỉ có một vài gian hàng mở cửa cầm cự để giữ mối và tập trung vào bán online.

giai phap ung pho cua gom su bat trang trong dich covid 19
Hoạt động giao thương tại Bát Tràng gần như ngưng trệ, không một bóng khách du lịch

Chị Nguyễn Thị Nghĩa, một tiểu thương ở chợ gốm Bát Tràng cho biết: “Thời gian trước thứ 7, chủ nhật vẫn rất đông. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát trở lại, 10 cửa hàng thì chỉ có 3 cửa hàng mở cửa. Để tránh dịch, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại nên ở đây gần như không có khách. Chúng tôi phải tập trung đẩy mạnh các mối bán online bằng hình thức giảm giá sản phẩm, thậm chí miễn phí giao hàng tại nhà”.

Hoạt động kinh doanh tại Bát Tràng thường sôi động nhất là 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm. Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng khiến hoạt động giao thương gần như ngưng trệ, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức sản xuất của các cơ sở. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng.

Anh Phạm Phúc Nguyên, chủ một cơ sở sản xuất tại làng gốm chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động giao thương ở đây gần như tê liệt. Sản xuất ngừng trệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Các đầu mối bán hàng trong nước giao dịch cũng rất chậm, những đơn đặt hàng từ nước ngoài thì bị chững lại. Công nhân nghỉ làm gần hết. Sản lượng làm ra rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cùng kỳ”.

“Hiện nay, hầu hết các cơ sở chỉ duy trì sản xuất nhỏ giọt. Cơ sở chúng tôi chỉ còn vài chục công nhân đi làm. Để đảm bảo sức khỏe phòng dịch, mọi người cũng ý thức được việc hạn chế giao tiếp trong giờ làm, đeo khẩu trang và đặc biệt không sử dụng đồ chung với người khác”, chị Nguyễn Thị Sao, quản lý tại một cơ sở sản xuất ở làng gốm chia sẻ.

giai phap ung pho cua gom su bat trang trong dich covid 19
Một số cơ sở sản xuất cầm cự để giữ vững các mặt hàng

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn trong tình hình hiện nay, ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện làng gốm Bát Tràng - cho biết: “Hiện các tổ chức sản xuất kinh tế của làng nghề đang tích cực động viên nhau ổn định tư tưởng, cố duy trì sản xuất ở mức độ ổn định để giữ vững mặt hàng. Đây cũng là giai đoạn để các doanh nghiệp, hộ sản xuất rà soát lại quy trình, vừa ổn định sản xuất, vừa nghiên cứu các mẫu mã mới để những tháng cuối năm có điều kiện sản xuất tốt hơn”.

Một trong những khó khăn đối với Bát Tràng hiện nay đó là vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu. Trao đổi về vấn đề này ông Lâm cho biết, hiện tại Bát Tràng đang đẩy mạnh tìm kiếm những vùng nguyên liệu mới ở Hà Giang, và khai thác thêm từ nguồn nước ngoài. Song song với đó là đẩy mạnh nâng cao kỹ thuật sản xuất, tìm thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm...

Vấn đề du lịch cũng đang được Bát Tràng chú trọng và tập trung triển khai. Địa phương đã đầu tư kinh phí 2,5 tỷ đồng cho dự án mua xe điện và dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay.

giai phap ung pho cua gom su bat trang trong dich covid 19
Hàng loạt các gian hàng tại chợ Bát Tràng đóng cửa

Tuy nhiên, để có hướng phát triển bền vững cho Bát Tràng thì theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho biết: “Để Bát Tràng thực sự trở thành điểm mạnh kinh tế của Thủ đô Hà Nội cần phải có những lối đi tổng thể. Đặc biệt là phải thống nhất được từ khâu nguyên liệu đầu vào cho tới đầu ra. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, hướng đi phát triển du lịch cần được đẩy mạnh, phối kết hợp tổng thể giữa sản phẩm với du lịch, vừa trải nghiệm, giao lưu, ẩm thực...”.

Ngoài ra, ông Dần cũng đưa ra ý kiến và đề xuất: “Các làng nghề, các nghệ nhân, các thợ thủ công trước hết phải chủ động đưa ra những đề xuất cụ thể, về hướng đi, nguồn nguyên liệu cho tới nhân lực. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có chính sách cho người dân. Nhất là những nghệ nhân cao tuổi”.

Là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế - du lịch của Thủ đô với rất nhiều tiềm năng như bề dày lịch sử phát triển làng nghề truyền thống lâu đời, hội tụ nhiều nghệ nhân nổi tiếng, đội ngũ lao động trẻ có tay nghề, Bát Tràng đang có thế mạnh phát triển kinh tế, du lịch để xứng tầm hội nhập quốc tế.

Đỗ Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận