Kỳ vọng lan tỏa từ nguồn vốn ngoại

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực FDI đã mang lại những dấu ấn tích cực, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Song, kỳ vọng vào nguồn vốn FDI giai đoạn tới vẫn còn rất lớn.
\"\"
FDI đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Hút nguồn vốn \"khủng\"

Cuối năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua. Sau 30 năm \"đón\" vốn FDI, tính đến tháng 9/2017, Việt Nam đã thu hút hơn 23.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 300 tỷ USD. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD, chiếm khoảng 53% tổng vốn FDI đăng ký. 

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, khu vực FDI hiện chiếm đến 72% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ở cấp quốc gia, tại Tọa đàm \"30 năm lan tỏa vốn FDI\" do VAFIE tổ chức mới đây, GS- TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE - cho biết: Rất nhiều địa phương thời gian qua đã có bước phát triển \"đột phá\" nhờ đóng góp của khu vực FDI. Cụ thể, ở phía Bắc có tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2016 thu ngân sách đã đạt 32.000 tỷ đồng, thành công đó nhờ sự đóng góp tích cực của khu vực FDI. Ở phía Nam, có tỉnh Bình Dương, 75% giá trị sản xuất công nghiệp và 85% kim ngạch xuất khẩu của địa phương thuộc về khu vực doanh nghiệp FDI. FDI đã đưa Bình Dương trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp.

Kỳ vọng bứt phá

Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế là không thể phủ nhận, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những dấu ấn tích cực, khu vực FDI đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, rất nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với mục đích tận dụng nguồn lao động giá rẻ, sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, không ít các DN FDI đầu tư tại Việt Nam vướng vào nghi án chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Hiện, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hấp dẫn FDI. 9 tháng đầu năm, cả nước thu hút trên 25 tỷ USD vốn FDI đến từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2016. Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2017, Việt Nam có thể thu hút trên 30 tỷ USD vốn FDI, bứt phá mạnh so với kết quả 24 tỷ USD của năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh sự bứt phá về lượng, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng trưởng về chất. Theo đó, không chỉ thu hút những dự án có chất lượng tốt, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn tạo sự lan tỏa vào khu vực kinh tế trong nước thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.

Để đạt kỳ vọng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh trông chờ vào sự chủ động của khu vực DN FDI, cần sự chủ động của khu vực DN trong nước và đặc biệt là của các cơ quan chức năng trong việc đưa ra các chính sách thu hút FDI hợp lý. Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng: Cần có những chính sách bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, chẳng hạn như phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, có như vậy mới tạo được sức lan tỏa tới khu vực DN trong nước. 

Đa số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay mới đưa ra cam kết tỷ lệ nội địa hóa 10%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mức độ lan tỏa từ khu vực FDI đến khu vực DN trong nước còn hạn chế.
Nguyễn Hòa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận