Kỳ II: Mô hình nào hiệu quả?

Chợ truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người dân nói chung và người Hà Nội nói riêng. Vì thế, phần lớn người tiêu dùng cho rằng, họ có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống gần nhà.
\"\"
Ban quản lý chợ đã chủ động xây dựng website riêng phục vụ cho các tiểu thương quảng bá giới thiệu sản phẩm

Bài học từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiệp (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội), nói tới sự sôi động và những nét đặc trưng trong hoạt động thương mại của Đà Nẵng không thể không nhắc đến các chợ truyền thống, chợ dân sinh.

Đà Nẵng hiện có 66 chợ truyền thống. Thành phố đã lựa chọn chợ Hàn làm mô hình điểm để xây dựng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nhân rộng cho tất cả các chợ kinh doanh hàng thực phẩm trên địa bàn. Cán bộ ngành Công Thương, ban quản lý các chợ, doanh nghiệp luôn hướng dẫn các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ thực hiện quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Nhận thức rõ vấn đề, các tiểu thương rất ủng hộ và tự nguyện đóng góp kinh phí để nâng cấp quầy, kệ, bàn ghế, trang bị găng tay, tạp dề… Do đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng nên chợ ngày càng thu hút đông người dân và khách du lịch.

Còn tại chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh), sau những thất bại trong việc chuyển đổi mô hình chợ thành TTTM, chợ Bến Thành hoạt động theo mô hình truyền thống. Để thu hút khách, Ban quản lý chợ đã chủ động xây dựng website riêng phục vụ cho các tiểu thương quảng bá giới thiệu sản phẩm và giao dịch qua mạng, hoạt động mua bán diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.

Rải rác tại các quận ở TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều mô hình chợ dân sinh rất thành công, như chợ Phạm Văn Hai, chợ Bà Quẹo (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)…

Có thể nói, mô hình chợ dân sinh, chợ truyền thống ở mỗi nơi có một đặc thù riêng nhưng đều vì mục đích chung là để phục vụ đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân và cả du lịch, với những nét văn hóa riêng.

Cần một cuộc “cách mạng”

Theo các chuyên gia, trong 10-15 năm tới, chợ dân sinh vẫn là loại hình thương mại phổ biến. Song, để phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của thành phố thì Hà Nội cần phát triển mạng lưới chợ dân sinh hợp lý, có trọng điểm.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội - cho rằng: Chợ dân sinh trong đô thị cần xem xét đến yếu tố đặc thù về văn hóa, dựa vào cấu trúc từng khu vực đặc thù để lựa chọn mô hình thích hợp. Vì vậy, khu nội đô lịch sử nên kết hợp chợ dân sinh trong các công trình thương mại hiện đại. Khu nội đô mở rộng nên xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại, liên kết với mô hình chợ dân sinh theo quy mô dân số phục vụ. Với các khu đô thị phát triển mới, cần xây dựng mạng lưới chợ dân sinh gắn với khu dân cư hiện hữu. Nên khuyến khích phát triển các chợ truyền thống và mô hình chợ mang dấu ấn đặc trưng của thủ đô để thu hút khách du lịch, xem đây như một không gian văn hóa Hà Nội.

Nhiều ý kiến cho rằng, về bản chất, chợ dân sinh hay chợ truyền thống vẫn hoạt động theo mô hình chợ dân sinh hiện nay. Tuy nhiên, cách thức bày biện hàng hóa phải thể hiện sự văn minh. Nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa phải rõ ràng...

Để làm được điều đó, các chuyên gia khuyến nghị: Hà Nội cần có cuộc “cách mạng” cải tạo lại các chợ cho phù hợp với quy mô dân số và phù hợp với tâm lý, tập quán tiêu dùng; duy trì và phát triển các yếu tố văn hóa chợ hài hòa với văn minh thương mại.

Theo các chuyên gia, việc cải tạo chợ phải theo một số nguyên tắc cơ bản: Thiết kế phù hợp; công khai, minh bạch; không lấy phí đầu tư các tầng trên phân bổ xuống tầng dưới đẩy giá thuê sạp tăng vọt; hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và tiểu thương...
TIN LIÊN QUAN
Kỳ I: Sự kết hợp bất khả thi
Thanh Tâm
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận