Kỳ II: Chủ động ứng phó

Trước sự khủng hoảng của du lịch biển miền Trung, các địa phương đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp ứng phó.
\"\"
Quảng Bình vận động người dân, du khách tắm biển và mở chiến dịch giảm giá kích cầu tại nhiều điểm đến

Mở chiến dịch giảm giá kích cầu

Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên có kết quả quan trắc chất lượng nước ven bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình đều đạt chuẩn cho phép. Tuy nhiên, theo đại diện các địa phương, tâm lý du khách vẫn rất dè dặt. 

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Quảng Bình - cho biết, ngành Du lịch Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền về biển an toàn để người dân địa phương và du khách yên tâm tắm biển, sử dụng hải sản đánh bắt xa bờ đảm bảo an toàn

Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đẩy mạnh Chương trình kích cầu du lịch năm 2016 với điểm nhấn là giảm phí vé tham quan, các dịch vụ du lịch, như: Giảm 30% phí vé tham quan tại các động Phong Nha, Tiên Sơn và Thiên Đường cho du khách có lưu trú tại Quảng Bình; các cơ sở lưu trú trên địa bàn đồng loạt đăng ký giảm giá từ 20-40% so với giá niêm yết...

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh - cho hay, ngành Du lịch Hà Tĩnh đã đưa ra chính sách giảm giá phòng từ 20-30% tại các cơ sở lưu trú, khách sạn và bổ sung thêm một số dịch vụ miễn phí phục vụ du khách tại biển Xuân Thành, Thiên Cầm… Đồng thời có chính sách giảm giá kích cầu tại các tuyến điểm, sản phẩm du lịch khác như văn hóa, tâm linh... trên toàn tỉnh. 

Chung tay gỡ khó

Ngay sau khi miền Trung gặp sự cố ô nhiễm môi trường biển, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục nối tour, gửi khách đến miền Trung, chuyển hướng thị trường, thiết kế các sản phẩm đặc sắc để kéo khách đến khu vực này.

Tổng cục Du lịch đã đề xuất với Bộ VHTT&DL một số giải pháp cụ thể như xây dựng chương trình tour du lịch trọn gói với giá ưu đãi đưa du khách đến khu vực Bắc Trung bộ. Phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan triển khai cập nhật, đưa thông tin giới thiệu những địa điểm cung cấp, kinh doanh thủy, hải sản sạch, đạt tiêu chuẩn nhằm xây dựng lòng tin với khách du lịch. Bên cạnh giải pháp ngắn hạn, Tổng cục Du lịch cũng đề xuất một số giải pháp dài hạn, trong đó có kết hợp tăng cường kích cầu du lịch nội địa, chuyển trọng tâm hoặc một số nội dung hướng tới Bắc Trung bộ.

Để tăng hiệu ứng của các giải pháp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, Tổng cục đã yêu cầu Sở VHTT&DL các địa phương trong vùng mở các chiến dịch tuyên truyền, quảng bá về du lịch của địa phương trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm thu hút du khách tới địa phương.

Sau nỗ lực đưa ra các giải pháp đối phó với khủng hoảng, bước vào tháng 6, khách du lịch đến với Quảng Bình, Hà Tĩnh bắt đầu có tín hiệu lạc quan. Thông tin mới nhất từ Sở VHTT&DL Quảng Bình cho biết, khách du lịch đến Quảng Bình khá đông, đặc biệt tại khu vực TP. Đồng Hới, các hoạt động tắm biển đã trở lại bình thường. Ngành Du lịch Quảng Bình dự kiến trong tháng 6, 7 và 8/2016, khách du lịch có khả năng ngang và vượt cùng kỳ năm 2015.

Tổng cục Du lịch đã đề nghị Bộ VHTT&DL mở cuộc vận động kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch cả nước hướng về miền Trung, hỗ trợ các tỉnh này vượt qua khó khăn; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip trong nước đến khảo sát, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch mới cho các địa phương.
TIN LIÊN QUAN
Kỳ I: Những hệ quả

 

Hoa Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận