Kỳ II: “Bài toán” khó có lời giải

Xâm phạm sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn nạn nhưng việc xử lý cũng như trả lại quyền lợi cho DN thực sự là “bài toán” khó.

\"\"

Trưng bày hàng hóa vị phạm sở hữu trí tuệ để người dân nhận biết 

DN có sản phẩm bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, đòi lại quyền lợi thật sự gian nan.

Ông Lê Quang Được - Giám đốc Công ty CP thương mại- dịch vụ Quốc tế Việt Úc- bức xúc: Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ một số vụ làm hàng nhái nhãn hiệu của Việt Úc với đầy đủ tang chứng nhưng đối tượng vi phạm không ký biên bản nên không xử lý được.

Tổng giám đốc Công ty ICC Trịnh Thành Nhơn cho biết, sau khi ICC gửi đơn

đề nghị lực lượng quản lý thị trường thu hồi các nhãn hàng ghi “Da lan” giả mạo nhãn hiệu “Dạ Lan”, ngày 1/1/2013, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh có văn bản giao cho Đội Quản lý thị trường số 4A thụ lý vụ việc. Tuy nhiên, lực lượng này đã không thực hiện. Tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, khi nhận được đơn kiến nghị của ICC, nhân viên hải quan lại đề nghị DN đem đơn ra tòa kiện (!?).

Mới đây, nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Công ty Vina Acecook bị nhãn hiệu mì tôm “Hảo Hạng” của Công ty CP Thực phẩm Á Châu - Asia Food nhái bao bì, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn giữa hai sản phẩm. Công ty Vina Acecook đã gửi công văn khuyến cáo tới Asia Food về hành vi sản xuất- kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu. Thế nhưng Asia Food cho rằng, sản phẩm mì Hảo Hạng đã đăng ký sở hữu trí tuệ, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 119302. Trước sự việc này, Vina Acecook tiếp tục gửi văn bản đến Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó nhấn mạnh việc mì Hảo Hảo được công ty sản xuất từ năm 2000 và nhãn hiệu này đã được gia hạn quyền chủ sở hữu đến ngày 27/6/2023.

Về vấn đề này, Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: Mẫu bao gói mì ăn liền “Hảo Hạng, tôm chua cay” mà Asia Food sử dụng trong thực tế khác với mẫu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 119302. Cách trình bày kiểu chữ và các dấu hiệu nhận biết có màu sắc chủ đạo tạo thành một tổng thể tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo - Mì tôm chua cay” của Vina Acecook.

Theo luật sư Lê Anh Trung - Văn phòng Luật sư Lê Anh Trung (TP. Hồ Chí Minh), việc cấp giấy bảo hộ cho các sản phẩm, dịch vụ có hình ảnh, logo, màu sắc, bao bì tương tự những sản phẩm đã được chứng nhận về sở hữu trí tuệ trước đó đã làm giảm tính độc quyền của sản phẩm. Đây là một thực trạng khá phổ biến, khiến cho nhiều DN bức xúc, dẫn đến khiếu kiện. Còn ông Ngô Bách Phong - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh thừa nhận: Không chỉ DN mà người tiêu dùng cũng là đối tượng chịu thiệt hại khi sử dụng hàng không chính hãng, bị nhái nhãn hiệu.   

Để hạn chế tình trạng trên, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh- khuyến cáo: DN cần nâng cấp mẫu mã, nhãn hiệu sao cho khó bị bắt chước. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong khâu xử phạt, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Không chỉ DN mà người tiêu dùng cũng là đối tượng chịu thiệt hại khi sử dụng hàng không chính hãng, bị nhái nhãn hiệu.

 

TIN LIÊN QUAN
Kỳ I: Hàng thật khốn đốn vì hàng nhái
Trần Thế - Thùy Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận