Doanh nghiệp cơ khí vẫn đang phát triển nhỏ lẻ, phân tán
“Sức khỏe” yếu
Theo số liệu của Hiệp hội các DN cơ khí Việt Nam (Vami), cả nước hiện có khoảng 3.100 DN cơ khí, trong tổng số 53 nghìn cơ sở sản xuất cơ khí. Khoảng 50% số cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo lắp ráp, các cơ sở còn lại hầu hết chỉ dừng ở mức sửa chữa nhỏ lẻ.
Tiềm lực ngành cơ khí không yếu, song \"sức khỏe\" hiện tại của mỗi DN lại quá èo uột, phát triển còn nhỏ lẻ, phân tán.
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Vami - thừa nhận: Ngành cơ khí nước ta đang phải đối mặt cùng lúc nhiều khó khăn. Trước hết và lớn nhất kìm hãm sự phát triển của công nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay là các cấp, các ngành quản lý nhà nước chưa thực sự đưa ra được những quyết sách phù hợp để phát triển ngành cơ khí. Ngoài ra, ngành cơ khí không xây dựng hệ thống các DN có chuyên môn hóa sản xuất sâu, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả; đầu tư dàn trải, sản phẩm khó có khả năng cạnh tranh…
Đặc biệt, các cơ quan quản lý vẫn chưa giải được tốt bài toán đầu tư có trọng điểm cho cơ khí nhà nước để cơ khí Việt Nam có đủ nội lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Nút thắt lớn về vốn
Tổng hội Cơ khí Việt Nam phân tích, nếu chỉ dựa vào năng lực của mình, các DN không dám mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp cơ khí, vì đòi hỏi vốn rất lớn. Hơn nữa, nếu đầu ra không bảo đảm, không DN nhà nước nào dám bỏ ra 2.000 - 3.000 tỷ đồng để đầu tư hiệu quả vào một nhà máy cơ khí. DN tư nhân thì năng lực yếu, chưa đủ sức đầu tư.
Vấn đề tiếp cận vốn của các DN cơ khí từ nhiều năm nay luôn trong tình trạng khó khăn, chưa có hướng tháo gỡ. Quyết định 10/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, từ khi có hiệu lực đến nay đã 6 năm, song mới có vẻn vẹn 3 dự án cơ khí trọng điểm được ký kết với tổng số vốn 374 tỷ đồng. Giải ngân thực tế chỉ hơn 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, \"độ ngấm\" của chính sách kém, khâu triển khai các chính sách hỗ trợ ngành cơ khí ách tắc, thiếu đồng bộ, dẫn đến các DN cơ khí không được hưởng lợi.
Cụ thể, các dự án của Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) đủ điều kiện hưởng cơ chế hỗ trợ sản phẩm cơ khí trọng điểm, nhưng hơn 5 năm qua, PV Shipyard không tận dụng được các chính sách ưu đãi. Ông Phan Tử Giang – Chủ tịch HĐQT PV Shipyard - khẳng định, nguyên nhân chủ quan là do: “Chính sách quá chung chung trong khi việc phê duyệt các điều kiện tín dụng lại quá phức tạp”.
Sản phẩm máy biến áp 220kV của Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, nằm trong danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm, thuộc diện được hỗ trợ tín dụng, nhưng ông Trần Văn Quang - Tổng giám đốc tổng công ty - nhận xét: “Vay vốn rất khó bởi thủ tục nhiêu khê và phức tạp”.
Kỳ II: Nhìn lại tính chủ động của DN cơ khí Việt
Tiềm lực ngành cơ khí không yếu, song \"sức khỏe\" hiện tại của mỗi DN lại quá èo uột, phát triển còn nhỏ lẻ, phân tán. |