Kỳ I: Sự kết hợp bất khả thi

Hà Nội đang chuyển hướng kết hợp giữa chợ và trung tâm thương mại (TTTM). Tuy nhiên, sự chuyển hướng này dường như không nhận được sự đồng tình của đại đa số tiểu thương và người tiêu dùng.
\"\"
Mô hình chợ - TTTM kém hiệu quả do thiết kế chưa phù hợp

“Vắng như chùa Bà Đanh”

Đây là cụm từ quen thuộc mà giới kinh doanh tại những chợ hỗn hợp có TTTM trên địa bàn Hà Nội dùng để ví von cho sự ế ẩm buôn bán của mình.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 7 công trình hỗn hợp chợ - TTTM đi vào hoạt động: Chợ - TTTM chợ Mơ, chợ - TTTM Hàng Da, chợ - TTTM Cửa Nam, chợ - TTTM Ô Chợ Dừa, chợ - TTTM 19/12, chợ - TTTM Thanh Trì, chợ - TTTM Trung Hòa.

Hầu như các công trình hỗn hợp này đều không hiệu quả, bao gồm cả loại hình dịch vụ hiện đại lẫn loại hình chợ truyền thống. Một số công trình sau thời gian hoạt động, do không đạt hiệu quả, người kinh doanh phải ra đi, dẫn đến công trình bị mất hẳn loại hình chợ truyền thống, như: Chợ - TTTM Ô Chợ Dừa, chợ - TTTM Cửa Nam. Bên cạnh đó, loại hình hiện đại cũng không hoạt động hiệu quả, phần lớn các công trình đều bị lấp kín, kể cả công trình tại khu vực trung tâm như TTTM Hàng Da hay TTTM Chợ Mơ.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, nhiều chủ ki-ốt thực phẩm tại chợ Hàng Da than thở: Trước đây, Hàng Da là nơi buôn bán tấp nập, chỉ sau chợ Đồng Xuân, nhưng kể từ khi xây dựng thành TTTM thì lượng khách suy giảm rất nhiều. Toàn bộ ngành hàng thực phẩm bị đẩy xuống tầng hầm, khiến 3-4 năm nay, tiểu thương chỉ hoạt động theo kiểu cố gắng... cầm cự.

Không chỉ đối với ngành hàng thực phẩm, ngành hàng rượu bia tại tầng 1 gần như các ki-ốt đã phải đóng cửa hoặc chỉ mở cho có.

Chia sẻ tại hội thảo “Mô hình chợ dân sinh trong đô thị trung tâm thành phố Hà Nội”, vừa tổ chức mới đây, đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, hầu hết các chợ - TTTM sau khi đi vào hoạt động thì hiệu quả về kinh tế, đầu tư và yếu tố xã hội không như mong đợi. TTTM vắng khách dù vị trí đẹp với lợi thế thương mại cao, trong khi chợ truyền thống gần như không còn, hoặc chỉ còn một số ngành hàng. Các mặt hàng thực phẩm, rau quả, trứng thịt… phục vụ đời sống dân cư khu vực hàng ngày thì... “sống mòn”.

Quá nhiều bất cập

Phân tích nguyên nhân của sự thất bại của mô hình chợ - TTTM ở Hà Nội thời gian qua, tại hội thảo nêu trên, các chuyên gia đều có chung nhận định: Nguyên nhân chính là thiết kế chợ chưa phù hợp, cộng với việc chuyển đổi mô hình đầu tư, quản lý còn nhiều bất cập. Trong số 7 chợ - TTTM đã đi vào hoạt động, hầu hết bố trí khu vực chợ và nơi để xe ở tầng hầm với lối xuống dốc, thu phí cao, không thuận tiện và tạo điều kiện khuyến khích người dân vào mua sắm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh (Viện Nghiên cứu phát triển triển kinh tế - xã hội Hà Nội), mô hình chợ - TTTM thất bại vì chủ đầu tư chỉ chú trọng vào lợi nhuận cho thuê mặt bằng làm văn phòng, ki-ốt kinh doanh sản phẩm hàng hóa cao cấp mà không giữ lại được mô hình chợ dân sinh gắn với tính tiện lợi của người nội trợ, ví dụ như: Được đi xe vào chợ, mặc cả… Hơn nữa, các doanh nghiệp đầu tư, khai thác các TTTM kết hợp chợ truyền thống đều không có kinh nghiệm kinh doanh chợ, phần đông đều là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản...

Theo Sở Công Thương Hà Nội, sau khi chuyển đổi mô hình chợ kết hợp TTTM, các tiểu thương phải đóng tiền thuê địa điểm kinh doanh cao gấp 3-5 lần so với trước.

Kỳ II: Mô hình nào hiệu quả?

Thanh Tâm
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận