![]() |
Thực tế nhiều người chăn nuôi lợn đang lo ngại không biết làm thế nào để đóng kín cửa chuồng không cho virus gây bệnh ASF xâm nhập vào trại, bảo vệ đàn lợn an toàn trước khả năng hủy diệt của virus lạ chưa từng có ở Việt Nam, một loại virus gây bệnh không có vắc xin và thuốc đặc hiệu phòng trị trên thế giới.
Tất cả các biện pháp an toàn sinh học đối với đàn lợn đang được áp dụng như tiêm phòng vắc xin dịch tả heo cổ điển (CSF), sát trùng chuồng trại hàng ngày, không cho người lạ vào thăm trại, diệt ruồi muỗi, côn trùng, quản lý người làm việc và phương tiện vào trang trại chặt chẽ, việc còn lại là may rủi nhờ trời và trông chờ vào quyết sách của nhà nước.
Sự gồng mình phòng bệnh của từng trang trại, gia trại chăn nuôi lợn rồi cũng sẽ bất lực nếu virus xâm nhập vào nước ta. Bởi vì đây là loại bệnh về mặt lâm sàng rất khó phân biệt với một số bệnh đỏ khác đang có ở Việt Nam. Việc xác định căn nguyên gây bệnh phải thông qua chẩn đoán ở phòng thí nghiệm. Mặc dù bệnh không lây sang người, chưa có ở Việt Nam và chưa đưa vào danh mục bệnh phải công bố, nhưng là bệnh gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi lợn và thuộc loại bệnh phải khai báo và cấm xuất khẩu theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới OIE.
Ở một số quốc gia trên thế giới, để bảo vệ đàn lợn cho người dân, Chính phủ Thái Lan và Philippines đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ 6 quốc gia đang có bệnh dịch tả châu Phi lưu hành, bao gồm Trung Quốc, Latvia, Ba Lan, Romania, Nga và Ukraine.
Hiện tại dịch bệnh đang lây lan phức tạp tại Trung Quốc, các ổ dịch xảy ra cách nhau hàng nghìn km, phần nào phản ánh về mức độ phát tán virus đã ở diện rộng và đòi hỏi một khoản kinh phí rất lớn cũng như thời gian để khống chế dịch bệnh.
Do đó, sự hồi hộp thậm chí lo lắng của người chăn nuôi lợn tại Việt Nam về nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới Trung - Việt là có cơ sở, không chỉ từ thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tiểu ngạch mà ngay cả đối với những sản phẩm chính ngạch có nguồn gốc rõ ràng cũng có thể mang mầm bệnh.
Ngày 30/8/2018, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Người chăn nuôi đang trông chờ vào việc thực thi nghiêm minh công điện này và hơn thế nữa là trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại Việt Nam thì phương án tiêu hủy, đền bù cho người chăn nuôi để người chăn nuôi hợp tác khai báo kịp thời dập tắt dịch bệnh vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một kế hoạch phòng ngừa nguồn lây dịch bệnh từ xa và được kiểm soát chặt chẽ có lẽ là giải pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ ngành chăn nuôi lợn ở nước ta vào thời điểm này.