Không phát sinh thêm dịch tả lợn châu Phi mới

Sáng ngày 21/2, Cục Thú ý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, nhiều ngày qua, tại một số xã có bệnh tả lợn châu Phi không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Việt Nam phát hiện ổ dịch tả lợn châu PhiChỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Ngay sau khi tiêu hủy toàn bộ lợn bệnh của các hộ nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y đã tổ chức lấy mẫu máu của các hộ xung quanh các hộ có lợn bệnh đã được tiêu hủy để xét nghiệm. Kết quả, toàn bộ 177/177 mẫu của 47 hộ xung quanh các hộ có lợn bị tiêu hủy đều âm tính. Đồng thời, từ ngày 1/2/2019 đến nay, Cục Thú y đã cử nhiều đoàn công tác ở tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình để phối hợp tích cực với các địa phương: Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, xử lý tiêu hủy lợn, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình,… và cho thấy các ổ dịch tại các xã đã được kiểm soát và đã qua nhiều ngày chưa có phát sinh thêm các hộ khác có lợn bệnh.

\"khong
Không phát sinh thêm dịch tả lợn châu Phi mới

Cụ thể: Tại xã Trung Nghĩa (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) phát hiện có 1 hộ chăn nuôi có lợn bệnh và đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của chủ hộ; tổ chức lấy ngay 14 mẫu máu lợn của 5 hộ xung quanh hộ có lợn bị tiêu hủy để xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính; đã qua 20 ngày chưa có hộ chăn nuôi nào trên địa bàn xã phát hiện có bệnh.

Tại xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) phát hiện có một số hộ chăn nuôi có lợn bệnh và đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của các hộ; tổ chức lấy 37 mẫu máu lợn của 9 hộ xung quanh các hộ có lợn tiêu hủy để xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính; đã qua 2 ngày chưa có hộ chăn nuôi nào trên địa bàn xã phát hiện có lợn bệnh.

Tại xã Đông Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) phát hiện có một số hộ chăn nuôi có lợn bệnh và đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của các hộ; tổ chức lấy 126 mẫu máu lợn của 33 hộ chăn nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bị tiêu hủy để xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính; đã qua 3 ngày chưa có hộ chăn nuôi nào trên địa bàn xã phát hiện có lợn bệnh.

Như vậy, dịch bệnh tại một số ổ dịch (như xã Trung Nghĩa tại TP. Hưng Yên) đã được kiểm soát và đã qua 20 ngày không phát sinh; tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh tại các địa phương là rất cao, do việc gia tăng buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua có thể mầm bệnh đã xuất hiện ở các địa bàn khác.

Các đoàn công tác của Cục Thú y tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đang tiếp tục phối hợp tích cực với các địa phương tổ chức lấy mẫu giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại các địa phương, nếu phát hiện có phát sinh dịch bệnh trên địa bàn sẽ tổ chức xử lý tiêu hủy lợn bệnh, nghi nghiễm bệnh ngay và tổ chức lấy mẫu máu của các hộ xung quanh để xét nghiệm.

Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y Hà Nội, người dân cần nắm rõ một số triệu chứng và bệnh tìch của bệnh để có phương án xử lý nhanh, kịp thời, không để lây lan. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, có thể đánh giá ở các mức độ sau:

Thể quá cấp tính là do virus có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết. Thể cấp tính là do virus có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42ºC). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.

Trong 1-2 ngày trước khi chết, lợn có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.

Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc 20 ngày. Lợn nái đang mang thai có thể sảy thai ở mọi giai đoạn. Tỉ lệ chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus thể mãn tính thường không có triệu chứng nhưng chúng sẽ là vật chủ mang virus dịch tả lợn suốt đời.

Thể á cấp tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bị bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn.

Bệnh kéo dài từ 5 đến 30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn nái đang mang thai sẽ sảy thai; lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70%. Lợn có thể khỏi hoặc bị nhiễm bệnh mãn tính.

Thể mãn tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có triệu chứng khác nhau, như: Giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỉ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm virus gây nên bệnh sẽ trở thành mãn tính.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận