![]() |
Việc thành lập Ủy ban sẽ không làm chậm quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước |
Lý do nào khiến ông đưa ra chủ trương thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN (Ủy ban)?
Có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường, nhà nước có rất nhiều chức năng như: Chủ sở hữu, hoạch định chính sách, quản lý hành chính… Những chức năng này phải thực hiện chuyên trách, nếu không dễ xảy ra xung đột lợi ích. Ví dụ, một bộ vừa hoạch định chính sách, vừa điều tiết thị trường, thực hiện chức năng chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong ngành đó thường đưa ra chính sách ưu đãi, ưu tiên cho DN của mình. Điều này không tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả DN. Thứ hai, phải thực hiện quản lý vốn nhà nước một cách chuyên trách, chuyên nghiệp và cần những kiến thức, kinh nghiệm, quy chế... hoàn toàn khác so với quản lý hành chính nhà nước. Cho nên phải tách biệt thì mới xây dựng được đội ngũ có đầy đủ năng lực để thực hiện chức năng này. Thứ ba, điều cực kỳ quan trọng là hiện nay mỗi bộ thực hiện một số quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN, dẫn đến phân tán, mâu thuẫn, khiến thực hiện không đầy đủ, hiệu quả. Hơn nữa, trách nhiệm giải trình lại rất kém, khi bất cập xảy ra, không thấy cơ quan, cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Theo Dự thảo, số vốn của Ủy ban nắm giữ lên tới 5 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là số vốn quá lớn, một cơ quan không thể quản được. Ông nhận định như thế nào về vấn đề trên?
Tôi khẳng định lại, đây không phải là số tiền quá lớn và một tổ chức hoàn toàn có thể quản lý được. Chúng ta đừng lấy số tiền đó đem ra so với chính mình mà hãy so sánh với thế giới. Tổng GDP của Việt Nam không bằng tổng một tập đoàn tư nhân trên thế giới.
Hơn nữa, chúng ta có thể thuê chuyên gia nước ngoài, hoặc lôi kéo những người Việt đang làm ở những tập đoàn lớn trên thế giới về quản lý. Người Việt Nam làm việc ở những tập đoàn đa quốc gia rất nhiều, họ là những người có kỹ năng, kinh nghiệm đầu tư, hãy mời họ về làm việc, vấn đề là có đủ cơ chế để hấp dẫn họ hay không.
Một số ý kiến khác quan ngại, Ủy ban này vừa quản lý vốn, vừa quản lý hành chính các DNNN, vậy sẽ không khác gì mô hình cũ. Hơn nữa, việc thành lập Ủy ban sẽ làm chậm quá trình cổ phần hóa (CPH). Quan điểm của ông?
Cơ quan này chỉ quản lý vốn chứ không quản lý hành chính, không làm chính sách.
CPH chậm không phải do thành lập cơ quan chuyên trách mà do cơ chế hiện nay không thúc đẩy CPH. Ví dụ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), sau khi CPH xong, tiền sẽ dồn về một quỹ nào đấy hoặc ngân sách nhà nước chứ không phải nằm ở SCIC nữa, như thế thì tội gì mà DN CPH?.
Theo ông, Ủy ban này ra đời sẽ chấm dứt được những tồn tại của khu vực DNNN thời gian vừa qua không?
Một giải pháp không thể chấm dứt được tất cả những tồn tại hiện nay của khu vực DNNN, nhưng tôi tin, nếu thành lập Ủy ban sẽ giám sát vốn DNNN tốt hơn là để như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Cần tách chủ sở hữu DNNN ra khỏi các bộ, ngành để hướng tới xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. |