![]() |
Đã đến lúc phải có đột phá trong xử lý nợ xấu |
Nợ xấu có trách nhiệm từ nhiều bên
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, tính đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã thực hiện mua 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. VAMC đã phối hợp với các TCTD tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức thu hồi nợ như: Bán nợ, bán tài sản bảo đảm… đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nhìn lại quá trình hình thành nợ xấu, cùng với thực tế là phần lớn món nợ đang nằm ở VAMC đều có tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản (BĐS), có thể thấy nợ xấu phát sinh thuộc trách nhiệm của 3 bên. Thứ nhất, nhà nước đã không bảo đảm được cơ chế kiểm soát đủ mạnh để điều tiết và có tính chất ngăn cản những định hướng lệch lạc trong phát triển vốn có của nền kinh tế. Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) là đã tự cuốn vào sự bùng nổ của thị trường BĐS và những dịch vụ, ngành sản xuất theo trào lưu. Thứ ba, trách nhiệm phía ngân hàng là mặc dù thực hiện nhiệm vụ cấp vốn cho nền kinh tế theo các định hướng, chủ trương, chính sách của nhà nước, song chuẩn mực chất lượng cán bộ lại chưa đủ để đánh giá các khoản vay, chất lượng dự án vay và cơ sở pháp lý của các tài sản bảo đảm có theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Như vậy, nhìn nhận một cách khách quan, từ phía nhà nước, DN, ngân hàng đều có trách nhiệm trong việc để hình thành nợ xấu, đã dẫn đến hậu quả tất yếu như ngày hôm nay, cả nền kinh tế đang phải gánh chịu hậu quả mà cả khối nợ xấu để lại.
Cần chính sách đột phá
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa - bày tỏ: Vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay đang gặp vướng mắc, điều này khiến cả ngân hàng và DN đều gặp một số khó khăn nhất định. Theo đó, Chính phủ cần có giải pháp khoanh nợ cho một số DN gặp khó khăn nhưng có khả năng hồi phục, bắt đầu từ việc khoanh nợ và lãi để DN trả dần, giúp DN vượt qua khó khăn, quay trở lại trả nợ ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - cho rằng, đã đến lúc phải có đột phá trong xử lý nợ xấu, trong đó cần 3 đột phá về chính sách. Cụ thể: Xem xét có đạo luật riêng về nợ xấu; có thị trường mua bán nợ theo giá thị trường; có nguồn lực tài chính. Trong đó, tăng quyền năng của VAMC khi cho phép công ty này được định đoạt tài sản, bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu chấp nhận lỗ. Định giá mua bán nợ, phải có tổ chức công lập bảo đảm khách quan công khai minh bạch; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu.
Không thể chần chừ trong xử lý nợ xấu và cần có một luật riêng cho vấn đề này là sự đồng thuận của nhiều chuyên gia kinh tế. TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng - chia sẻ: Xử lý nợ xấu nếu không có tiền phải có cơ chế mà phải là cơ chế mạnh thì mới giải quyết được, vì quy mô nợ xấu thời điểm này lớn hơn rất nhiều thời gian trước đây. Bởi thế, phải có hai cơ chế: một là, cơ chế đặc thù cho cả VAMC lẫn TCTD; hai là, cần bộ luật riêng để xử lý nợ xấu. Sau khi nợ xấu được xử lý xong thì bộ luật này cũng chính thức hết hiệu lực. “Đây là giải pháp mà nhiều nước thực hiện rất thành công” - ông Nghĩa khẳng định.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - đề xuất, đối với nguồn lực tài chính, nên xem xét tạm ứng cho VAMC một khoản tiền để công ty này mua bán nợ xấu. |