Phát huy tinh thần bứt phá, tìm giải pháp để phát triển toàn diệnNgành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế |
Công nghiệp và thương mại tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động
Từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích thêm về hai điểm đáng lưu ý là, trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp và đang có xu hướng suy giảm, trong đó, thương mại toàn cầu chịu tác động rất mạnh từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến cầu thế giới xụt giảm, một số nước là thị trường xuất khẩu hàng hoá chính của Việt Nam đang tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng rất thấp, chỉ ở khoảng dưới 3%. Trong bối cảnh đó, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, thương mại là điểm đáng ghi nhận.
![]() |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tiếp tục bám sát chỉ đạo, bám sát tình hình trong và ngoài nước và có các giải pháp quyết liệt phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2019 |
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của nước ta tuy thấp hơn kế hoạch song vẫn là mức tăng trưởng tích cực khi đạt 7,1% và đi kèm với đó, chúng ta cũng đạt mục tiêu kép khi kiểm soát nhập siêu với thặng dự thương mại ở mức 1,6 tỷ USD.
Như vậy, nếu chúng ta căn cứ vào kết quả trong 6 tháng đầu năm và bám sát kế hoạch cả năm thì trong 6 tháng cuối năm có khả năng đạt được mục tiêu dù sẽ rất khó khăn vì muốn vậy thì trung bình mỗi tháng còn lại chúng ta phải đạt quy mô xuất khẩu khoảng 23-24 tỷ USD.
Trên cơ sở tính toán mùa vụ của các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu lớn, như: dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp chế biến, các mặt hàng nông sản, thuỷ sản… cũng như tâm lý tích cực của các nhà đầu tư, thì khả năng chúng ta sẽ đạt kế hoạch xuất khẩu năm 2019 mà Quốc hội đã thông qua.
Trong lĩnh vực công nghiệp, theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, góp phần vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, với một số công trình, dự án lớn, một số cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo được đưa vào hoạt động sẽ mở rộng năng lực sản xuất và xuất khẩu và sẽ có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng chung.
![]() |
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Khơi thông thị trường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển hạ tầng lưới điện
Về những nhiệm vụ lớn trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trước hết trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và sẽ có tác động rất mạnh đến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình như thị trường Trung Quốc. Do đó, chúng ta cần tập trung các giải pháp để khơi thông các thị trường này, không chỉ mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch (hiện có 8 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc) mà cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến trình phối hợp với phía Trung Quốc để cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này.
Nhiệm vụ tiếp theo, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để đảm bảo đầu ra cho các ngành hàng chủ lực của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông nghiệp.
Cho biết các thị trường xuất khẩu khác đã và đang phát triển tích cực, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do (FDA), trong thời gian qua đều có tăng trưởng cao, như: Canada tăng trưởng 34%; Chile, hay Mexico đều có tăng trưởng rất cao, lên tới gần 40%, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì và phát triển, mở rộng hoạt động giao thương.
Nêu lên những nguy cơ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nguy cơ bị các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp chống lẩn tránh thuế tương tự như câu chuyện Mỹ vừa áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép của Việt Nam, Bộ trưởng phân tích, nguồn gốc của mặt hàng thép không phải từ Trung Quốc mà từ các quốc gia khác, như vậy, đây là nguy cơ kép vì trước đây Mỹ chấp nhận nguồn gốc nguyên liệu này nhưng hiện nay lại không chấp nhận.
Qua câu chuyện về mặt hàng thép, Bộ trưởng cho biết, không chỉ mặt hàng thép mà các mặt hàng tăng trưởng nóng của chúng ta khi xuất khẩu sang Mỹ, Bộ Công Thương đã có Đề án về phòng vệ thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành siết chặt quản lý, đảm bảo đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng phải bền vững và bảo vệ sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, với hoạt động tạm nhập, tái xuất và công tác cấp xuất xứ hàng hoá (CO), Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về việc chấn chỉnh, siết chặt quy trình cấp CO cho các mặt hàng xuất khẩu, nhất là mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường có nguy cơ cao bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trừng phạt thương mại.
Về vấn đề cung cấp điện cho nền kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng phụ tải rất lớn, tới 10,3% và có thời điểm chúng ta huy động nguồn đến 38.000 MW dẫn đến tình trạng khi một số nhà máy nhiệt điện than có sự cố do thiên tai hoặc thực hiện công tác bảo dưỡng đã tác động đến nguồn, buộc phải huy động nguồn điện chạy dầu, gây lãng phí lớn và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
“Trong thời gian tới, chúng ta đã có thêm công suất 5.000 MW nguồn điện mặt trời chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung” – Bộ trưởng nói. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án điện mặt trời đang gặp khó khăn do hệ thống hạ tầng để giải toả công suất, một số dự án chỉ giải toả được 30-40% công suất.
Để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư xã hội, vừa đảm bảo cân đối điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang cử một số đoàn công tác làm việc trực tiếp với các địa phương và sẽ có báo cáo Thủ tướng các giải pháp cụ thể vào tuần tới.
“Quan điểm chung là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện nghiêm, đúng các giải pháp, theo đúng lộ trình các kế hoạch đầu tư hệ thống trạm, lưới điện để đảm bảo giải toả công suất điện” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm, EVN phải phối hợp chặt chễ với chính quyền các địa phương đảm bảo tiến độ của các dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
EVN cũng phải có giải pháp kỹ thuật cụ thể đảm bảo sự hài hoà trong việc giải toả công suất và đưa điện lên lưới.
“Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến Luật Quy hoạch mới để tập trung đẩy nhanh tiến độ đưa một số dự án mới vào để giải toả công suất, tăng nguồn phát để cân đối nguồn cung điện từ nay đến cuối năm” - Bộ trưởng nêu kiến nghị và cho biết thêm, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; giải pháp cân đối nguồn điện nhập khẩu để đảm bảo cân đối điện.