![]() |
Việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn |
Theo ông Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN&PTNT) - các quy định của nhà nước hiện nay vẫn chưa đề cập đến các quy định và công cụ nhằm truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. Bên cạnh đó, việc quản lý truy xuất nguồn gốc trong các cơ sở nhỏ lẻ rất khó khăn; mức độ kiểm tra, truy xuất còn bỏ ngỏ và rất khó thực hiện, đặc biệt là các kênh truyền thống.
Ông Trần Mạnh Giang - Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội - cho biết: Để đáp ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày, thị trường Hà Nội cần khoảng 800 - 1.000 tấn thịt, 2.500 - 3.000 tấn rau quả các loại, 350 - 400 tấn thủy, hải sản tươi sống và chế biến. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện mới đáp ứng 40-60% nhu cầu, số còn lại được nhập khẩu và cung cấp từ các tỉnh khác.
“Nguồn lương thực, thực phẩm này được đưa về Hà Nội bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân thu mua, cung ứng và chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị. Chính vì vậy khó truy xuất từ “cọng hành, mớ rau”, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) cao, lòng tin người tiêu dùng giảm” - ông Giang phân tích.
Để hoạt động quản lý an ATTP hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần có nhiều giải pháp tổng thể. Đặc biệt, xây dựng các chương trình thử nghiệm quản lý theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc có quy định cụ thể cho từng loại thực phẩm. Đồng thời, xây dựng hệ thống công cụ phù hợp và có sự kết nối theo chuỗi như mã số định danh, mã vạch.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội cũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác ATTP, chú trọng lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng ATTP.
Đóng góp ý kiến cho việc quản lý ATTP, ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt – nhận định, sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện trên quy mô lớn mới có thể quản lý, bảo đảm ATTP đến tay người tiêu dùng. Bởi lẽ, một nhà sản xuất chỉ có thể sản xuất 4-5 loại rau, nhưng một cửa hàng thì phải có nhiều loại, nên nếu có đầu mối trung gian sẽ dễ dàng kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.
Đưa ra những giải pháp trọng tâm, ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế - nhấn mạnh, thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ thanh tra ATTP để bảo đảm công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn. “Cùng với đó, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm ATTP, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm, thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt)…” - ông Nhiên nói.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã kiểm tra trên 90 nghìn lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Hiện, Hà Nội đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về ATTP. Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án Thí điểm thanh tra ATTP cấp xã, phường, quận, huyện. |