Khi sản xuất gắn với thị trường

Năm 2019, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) có tổng sản lượng quả tươi đạt trên 165.000 tấn. Sản lượng lớn là vậy nhưng hầu như các hộ trồng cây ăn quả ở Lục Ngạn không gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả tích cực này?

Từ thủ phủ vải thiều đến trung tâm cây ăn quả chất lượng cao

Trước đây, nhắc đến Lục Ngạn là nhắc đến vải thiều – loại trái cây có ở Lục Ngạn từ hơn 50 năm trước, với chất lượng thơm ngon có tiếng. Mấy năm gần đây, cùng vải thiều, Lục Ngạn còn được biết đến với bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng, ổi, táo…

khi san xuat gan voi thi truong
Lục Ngạn được xem như trung tâm sản xuất cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây chất lượng,
sản lượng cao

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, nông dân Lục Ngạn còn nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cây. Chính vì vậy, giống cây nào ở địa phương khác đưa về, chỉ sau 1 - 2 năm là người nông dân có thể chủ động trong chăm sóc, lai tạo và cho cây kết trái với chất lượng tốt nhất. Sau nhiều năm tập trung phát triển cây ăn quả, đến năm 2019, Lục Ngạn đã có tổng diện tích hơn 27.000 héc-ta cây ăn quả các loại với tổng sản lượng quả tươi đạt trên 165.000 tấn. Bao gồm: 15.300 héc-ta vải thiều, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm; gần 7.000 héc-ta cam, bưởi, sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm và trên 5.000 héc-ta các loại cây ăn quả khác. Tổng thu nhập từ cây ăn quả năm 2019 của Lục Ngạn ước đạt trên 4.300 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt bình quân 136 triệu đồng/héc-ta, thậm chí có những héc-ta vải thiều, táo cho thu nhập cả tỷ đồng/năm.

Năm 2018, 2019, tại Lục Ngạn đã có hơn 600 hộ trồng cây có múi cho thu nhập từ 300 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm; hơn 500 hộ thu nhập 300 – vài tỷ đồng/năm từ cây vải. Sản xuất và tiêu thụ trái cây hằng năm còn thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phụ trợ ở Lục Ngạn phát triển mạnh, với tổng doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tìm lối đi cho nông sản

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch huyện Lục Ngạn đã trao đổi với phóng viên Chuyên đề DTTS&MN Báo Công Thương về các giải pháp để trái cây Lục Ngạn không rơi vào tình trạng dư thừa, rớt giá. Theo đó, với quả vải, ngoài việc sang tận Trung Quốc xúc tiến thương mại; lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thường xuyên tiếp xúc các đơn vị chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn để trái vải thiều được qua cửa riêng, thông quan không kể giờ giấc. Với thị trường trong nước, Lục Ngạn liên tiếp có các chương trình giới thiệu, quảng bá vải, cam, bưởi… tại hệ thống siêu thị; các trang bán hàng trực tuyến; tham gia các hội chợ nông sản.

Đến nay, ngoài việc duy trì diện tích trồng vải là hơn 15 héc-ta, Lục Ngạn đã có chiến lược quy hoạch bài bản cho từng loại cây có múi. Đồng thời, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cho các diện tích cây ăn quả hiện có.

Song song với đó, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã xây dựng chỉ dẫn địa lý, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ cây có múi, từng bước đưa các sản phẩm tiêu thụ xa hơn, với số lượng và giá trị cao hơn. “Có xúc tiến thương mại tốt đến mấy mà người nông dân không làm ra sản phẩm ngon, sản phẩm sạch thì không thể cạnh tranh được” - Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo tính toán, từ nay đến Tết Nguyên đán, mỗi tuần, huyện Lục Ngạn sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3.500 tấn quả có múi (bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng), 1.000 tấn táo, khoảng 1.300 tấn mỳ gạo… Với chất lượng thơm ngon, giá bán ổn định, dự báo bà con ở Lục Ngạn (trong đó có khoảng 49% nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số) sẽ lại có thêm một vụ mùa cây trái trĩu quả, ấm no.

Phương Tú
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận