Kế hoạch hiện thực hóa AfCFTA bị trì hoãn vô thời hạn do Covid-19

Lục địa châu Phi đang trong cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch bệnh Covid-19 do virus corona mới gây ra. Các cuộc đàm phán thương mại nhằm mục đích hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) vào ngày 01/7 tới đang bị trì hoãn.

Khi thế giới vật lộn với cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn nhất và chưa thể kiểm soát được, các quan chức ở châu Phi hiện đã trì hoãn vô thời hạn việc hiện thực hóa chính thức khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Sự ra mắt của AfCFTA đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị dưới thời Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi gồm 55 thành viên. Liên Hiệp Quốc tin rằng hiệp định này có thể thúc đẩy thương mại nội bộ châu Phi thêm 52% khi thuế đối với hàng hóa qua biên giới cuối cùng đã được loại bỏ.

ke hoach hien thuc hoa chinh thuc afcfta bi tri hoan vo thoi han do covid 19

Các bộ trưởng thương mại châu Phi lần đầu tiên quyết định thúc đẩy với việc thành lập một khối thương mại tự do trên toàn châu Phi vào năm 2010 và được các nước tán thành vào năm 2012. Các cuộc đàm phán thương mại đã được tiến hành kể từ năm 2015. Bất chấp dịch bệnh Covid-19, ý định ban đầu vẫn là để cho AfCFTA ra mắt trong năm nay với việc các quan chức đang tìm cách nối lại các cuộc đàm phán vào cuối tháng 5.

Ngay cả khi không có sự can thiệp của đại dịch này, việc đạt được một hiệp định thương mại tự do cũng có vẻ khó khăn – mặc dù có những tiến bộ cho đến nay. Văn bản hiện tại của hiệp định đề xuất các quốc gia có 5 năm giảm thuế xuống 0% đối với 90% hàng hóa. Sau đó, lộ trình 7 năm để giảm thuế đối với 7% các dòng thuế, trong khi 3% còn lại có thể được bảo hộ. Trong thực tế, điều này có thể mất nhiều thời gian hơn. Có ý kiến cho rằng việc giảm các mặt hàng không nhạy cảm và nhạy cảm, hãy cho Châu Phi lộ trình 13 năm, hơn nữa đã có thêm 30 quốc gia ở châu Phi đã phê chuẩn thỏa thuận này. Trong khi đó, Ethiopia, Zimbabwe, Sudan, Mozambique và Zambia, tất cả đã đồng ý vào đầu năm nay để giảm thuế đối với 90% hàng hóa của họ. Các quốc gia gần như đã kết thúc đàm phán về quy tắc xuất xứ - những sản phẩm có thể tận dụng khối thương mại tự do phải được sản xuất ở châu Phi - mặc dù vẫn còn một chặng đường dài trước khi đồng ý về quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ và chính sách cạnh tranh.

Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng thương mại tự do thực sự có nghĩa là thương mại tự do. Năm ngoái, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã đóng cửa một phần biên giới với Benin trong nỗ lực ngăn chặn việc buôn lậu gạo và các mặt hàng khác. Và căng thẳng thường bùng phát giữa Tanzania, Kenya và Uganda về các mặt hàng như đường, cà rốt, đậu và ngô. Ngoài ra còn có sự thâm hụt cơ sở hạ tầng lớn ở châu Phi và một khoản đầu tư lớn vẫn cần thiết cho đường bộ, liên kết đường sắt và kết nối hàng không. Ủy ban Kinh tế của Liên Hiệp Quốc về châu Phi ngày 23/3 cho biết “vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm” khi nói về tác động của Covid-19 đối với cuộc đàm phán thương mại AfCFTA. Tham vọng thương mại của châu Phi có thể bị trật bánh từ phía bên kia Đại Tây Dương. Chiến lược thương mại của chính quyền Mỹ đã khiến các thỏa thuận thương mại song phương trở thành ưu tiên hàng đầu của Washington, có khả năng gây áp lực trên lục địa này để tạo ra một thị trường dựa trên các tiêu chuẩn chung. Ủy ban Kinh tế của Liên Hiệp Quốc về châu Phi cho biết không thể tránh khỏi việc Mỹ và Anh sau Brexit - sẽ tìm cách thực hiện các thỏa thuận song phương với các nước châu Phi. Nhưng các quốc gia Châu Phi cần xây dựng AfCFTA và không làm suy yếu hiệp định này.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với châu Phi sẽ là đảm bảo lợi ích của AfCFTA đến được với các doanh nghiệp và nông dân quy mô nhỏ tạo thành xương sống của phần lớn các nền kinh tế lục địa. Điều quan trọng nhất là làm thế nào đảm bảo sự tham gia của nông dân trong toàn bộ chuỗi giá trị. Ở các nước châu Phi vẫn có những thách thức to lớn để tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nhỏ. AfCFTA sẽ không có nghĩa là các nước công nghiệp nhất sẽ nhất thiết phải gặt hái tất cả lợi ích. Ví dụ như châu Âu, có lẽ hai nước hưởng lợi lớn nhất từ ​​thỏa thuận EU là Hà Lan và Ireland. Đó không phải là nước lớn mà là những quốc gia nhỏ có thể tận dụng lợi thế khi đã điều chỉnh môi trường kinh doanh trong nước phù hợp hơn. Dù vậy, sự tấn công của dịch bệnh Covid-19 ở châu Phi là một cú hích trong câu chuyện thương mại mà từ góc độ thương mại, Châu Phi cần xem cuộc khủng hoảng này là một cơ hội - thông qua AfCFTA để cấu hình lại chuỗi cung ứng và để giảm sự phụ thuộc vào các khu vực kinh tế khác.

Việt Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận