Tham dự Diễn đàn có khoảng 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương; một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị xã hội; các Hiệp hội và trên 300 doanh nghiệp (DN) chế biến XK gỗ và lâm sản.
![]() |
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn |
Việt Nam vươn lên đứng thứ 5 về XK gỗ
Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và lâm sản Việt Nam vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch XK của ngành nông nghiệp, xuất siêu trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về XK gỗ và lâm sản. Thị trường XK được mở rộng với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng với các mặt hàng chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.
Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là DN tư nhân, 3,5% DN có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số DN chế biến, sản phẩm XK trên 1.800 DN, tăng hơn 300 DN so với năm 2017. Nhiều DN đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng, sản xuất, cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng kiến trúc AA – nhận định: Thương hiệu có thể làm tăng giá trị của công ty lên gấp vài lần, thậm chí là hơn 50 lần. Tuy nhiên, thương hiệu của các DN trong ngành gỗ còn rất yếu. Đã đến lúc DN Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Và việc này đòi hỏi một quá trình bền bỉ. Muốn thế, thương hiệu phải được xây dựng trên những giá trị cốt lõi và nói lên được bản sắc của DN. Sự hài lòng của khách hàng là tài sản quan trọng, là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
![]() |
![]() |
Diễn đàn thu hút khoảng 600 đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành, DN |
Không có DN, bất thành sản xuất
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mức tăng trưởng trên 800% trong thời gian hơn 10 năm qua là một kết quả rất đáng biểu dương, thể hiện thành quả của sự cố gắng nỗ lực không ngừng, tinh thần làm việc say mê sáng tạo của cộng đồng các DN chế biến gỗ và lâm sản.Chế biến, XK gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị XK chủ lực và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thành quả là không chỉ kim ngạch XK vượt kế hoạch, XK tới trên 120 địa bàn quốc gia và lãnh thổ, đứng đầu ASEAN, thứ 2 châu Á, 5 thế giới. Không chỉ số lượng, Thủ tướng cũng đề cập tới thành quả là ngành gỗ có sản phẩm thiết kế, mẫu mã tốt, được thị trường khó tính chấp nhận. Việc chuyển giao công nghệ tư các viện, trường, nhà nghiên cứu đến với thị trường XK bước đầu rất tốt. \"Làm thị trường lớn toàn cầu mà không nghiên cứu khoa học thì khó phát triển bền vững\" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho hay, chúng ta đang đứng trên đôi chân của mình. Các sản phẩm gỗ tiêu dùng Việt Nam phần lớn có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, hạn chế gỗ nhập khẩu, nghiêm cấm khai thác gỗ rừng trồng tự nhiên. So với năm 2005, chúng ta đã tăng lên 800 lần, là kết quả đáng ghi nhận.
![]() |
Thủ tướng tìm hiểu về chất lượng sản phẩm gỗ của DN |
Tuy vậy, là nước nông nghiệp nhiệt đới, một nước tam sơn tứ hải nhưng mới chiếm 6% thị phần của thế giới nhưng sản phẩm, sự đa dạng, hấp dẫn sản phẩm đồ gỗ còn khiêm tốn. Đặc biệt, quy mô phát triển, tầm cỡ DN, số lượng có nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề. Do đó, phải tiếp tục chỉ đạo tốt hơn nữa về số lượng, chất lượng tăng trưởng bền vững cho chế biến, XK gỗ của năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tại Diễn đàn này, Thủ tướng đem theo một số câu hỏi lớn để ngành tìm câu trả lời cho chính mình và đất nước.
Thứ nhất, năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc bác Hồ, trong đó có việc mà cả nước đã làm là phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác. Một tinh thần mùa xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Cái cốt lõi là phát triển nghề trồng rừng. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT thảo luận Bộ Tài chính tìm ra phương thức hỗ trợ cho các tỉnh có đất trồng rừng để trồng. Mỗi công dân trồng một cây mới, phương thức nào để có đủ giống, đủ đất. Để tỷ lệ phủ xanh đất đồi trọc không chỉ 42% mà còn cao hơn.
Thứ hai, Thủ tướng đặt hàng với ngành Nông nghiệp, trong 10 năm tới Việt Nam phải lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm hàng đầu về chế biến, XK gỗ hàng đầu thế giới. Hiện, thị phần XK của Việt Nam mới chỉ chiếm 6%, trong khi thị phần toàn thế giới đồ gỗ là 430 tỷ USD nội thất, 150 tỷ USD ngoại thất. Vậy đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được 30% hay 50% thị phần và làm thế nào để đạt được mục tiêu này? Đây là câu hỏi lớn, chiến lược lớn.
Ngoài ra, những câu hỏi như đất ở đâu để trồng rừng, trồng cây gì để hiệu quả tốt nhất, thiết kế nội thất thế giới sẽ theo xu hướng nào? Các địa phương cần phải trả lời. Trồng rừng, chế biến XK gỗ là điều mà tỉnh nào cũng làm được, chỉ có điều nghiên cứu, phân công sao cho hợp lý. Ngành cần nhận diện rõ tiềm năng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững. Về cơ chế chính sách, chúng ta có nhiều DN gỗ nhưng chưa có DN lớn, hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn. Không có DN bất thành sản xuất!
Bên cạnh những thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành gỗ vẫn còn nhiều bất cập, chưa ổn định và cần có tính toán dài hơi hơn với các nước để phát triển thị trường, chứ không nhập nhoạng, không ổn định như hiện nay. “Ngành gỗ vào thị trường khó tính còn ít. Chúng ta phải bám vào FTA đã có và sắp tới ký để triển khai các thị trường chủ lực” - Thủ tướng đề nghị.
Vấn đề nữa được Thủ tướng đưa ra đó là xây dựng thương hiệu DN và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Có nhiều DN, nhưng việc XK còn thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả, giá trị được nhận còn thấp.
Thủ tướng đề cập, năm nay, kế hoạch đạt 11 tỷ USD kim ngạch XK là thấp quá? Câu hỏi bao nhiêu, giải pháp ra sao, ngành phải vượt mức, đóng góp vào sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bao nhiêu phải có câu trả lời. \"Làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng XK đồ gỗ thế giới. Một câu hỏi lớn, chứ không phải kim ngạch XK trên dưới 10 tỷ USD mà chúng ta đã thoả mãn rồi, đó là thỏa mãn non\", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, ngành cần tiếp tục chú ý công tác thiết kế mẫu mã, nghiên cứu khoa học ở viện, trường. Không có khoa học bất thành chế biến lâm sản. Người đứng đầu Chính phủ cam kết tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng DN, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng để các Bộ, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục quyết liệt hành động đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với DN đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ lâm sản nhanh, hợp pháp và bảo vệ môi trường bền vững.