Kinh tế phát triển từ những thế mạnh lớn
“Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến - nhiều người vẫn gọi nó là tình khúc của những kẻ du lãng tha thiết muốn đi tìm giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của người Raglai. Tiếng đàn Chapi, điệu nhạc Chapi chính là lòng người Raglai, hồn người Raglai thẳm sâu trong sương khói hoang hoải miền sơn cước. Không khó để tìm ra vùng đất “một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui” khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác, đó chính là Thuận Bắc - một huyện miền núi của Ninh Thuận, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Raglai - đang “thay da, đổi thịt” hàng ngày nhờ vươn lên từ những thế mạnh địa phương.
![]() |
Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Long Biên họp về công tác triển khai thực hiện Dự án khu du lịch Bình Tiên |
Ông Phạm Trọng Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc - cho biết, điểm khác biệt của huyện Thuận Bắc là đất núi nhiều hơn đất bằng, đá chồng lên đá. Nếu như tỉnh Ninh Thuận xây dựng thế mạnh trên 6 trụ cột thì huyện đã sở hữu đến 4 thế mạnh là du lịch, năng lượng, nông nghiệp và phát triển đô thị. Đặc biệt, du lịch được coi là thế mạnh nhất của Thuận Bắc vì nơi đây có sân golf, biển, một phần của Vườn quốc gia Núi Chúa, có thể phát triển du lịch cộng đồng từ thế mạnh là lễ bỏ mả của đồng bào Raglai, đã được tỉnh công nhận là di sản phi vật thể. Bên cạnh đó, công nghiệp cũng là thế mạnh của địa phương khi có mỏ đá, nhà máy xi măng, nhà máy thạch rau câu. Khu công nghiệp Du Long đang được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đón nhà đầu tư đến huyện.
Không có thế mạnh về nông nghiệp do là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND, ngày 15/5/2020 về việc công bố cấp rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh, với tinh thần khẩn trương, huyện đã đề nghị các địa phương tập trung rà soát, chủ động giảm diện tích lúa ở những khu vực xa nguồn nước tưới. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất với những cây trồng cạn phù hợp với thực tế ở từng vùng. Chỉ tính riêng năm 2020, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn đã vượt so với kế hoạch, tập trung vào những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn cây lúa và phù hợp với đặc điểm khô hạn của địa phương.
Điều đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi cây trồng, ngoài sự chủ động của người dân, chính sách hỗ trợ của nhà nước như bố trí vốn từ ngân sách để đào nhiều ao chứa nước, phục vụ nước tưới cho vùng trồng măng tây xanh, bưởi da xanh ở xã Công Hải và Lợi Hải, đẩy mạnh liên kết với một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cây trồng sau thu hoạch. Người dân địa phương cũng ngày càng ý thức được vấn đề chuyển đổi cây trồng để tiết kiệm nước, kết quả từ mô hình canh tác cây trồng cạn đem lại thu nhập cao từ 1,5 - 2 lần so với trồng lúa, do đó nhiều diện tích cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu được mở rộng.
Bên cạnh đó, chủ trương phát triển chăn nuôi gắn với đặc thù huyện miền núi tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Trong năm, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện tập trung hỗ trợ người dân ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn đầu tư chăn nuôi bò, dê, cừu, triển khai các mô hình sản xuất chăn nuôi dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trạm chăn nuôi và thú y huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông hộ thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bảo quản thức ăn trong mùa nắng hạn. Nhờ đó, quy mô tổng đàn tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, vị thế ngành chăn nuôi có sự đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Nhằm tạo động lực phát triển, huyện tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý, triển khai đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương, tiến độ thi công của nhiều dự án năng lượng tái tạo đảm bảo kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện; Dự án điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Xuân Thiện, Điện gió Công Hải… Huyện cũng đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án Khu du lịch Bình Tiên, Khu công nghiệp Du Long...
Khai thác lợi thế
Ông Phạm Trọng Hùng chia sẻ thêm, huyện Thuận Bắc hiện chiếm 70% đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ tay nghề vẫn ở mức thấp nên nông nghiệp vẫn là hướng phát triển chính trong thời gian tới. Theo đó, nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng tập trung vào những cây trồng, sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn cây lúa và tiêu thụ ít nước hơn do Thuận Bắc là vùng đất cực khô hạn.
Bên cạnh đó, về công nghiệp, huyện Thuận Bắc đề nghị đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển Khu công nghiệp Du Long, sớm hoàn thiện hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Chúng tôi cũng mong muốn nhà đầu tư thứ cấp sẽ tập trung các dự án, sản phẩm công nghiệp hậu cần hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo như sản xuất thiết bị điện gió, mặt trời, sản phẩm phụ trợ cho những ngành công nghiệp có giá trị cao. Bên cạnh đó, cần nhà đầu tư thứ cấp có ngành nghề phù hợp với trình độ của lao động địa phương như chế biến nông - thủy sản, may mặc để giải quyết nhu cầu việc làm của người dân địa phương… vì nhìn chung, mặt bằng về trình độ dân trí cũng như lao động có tay nghề ở địa phương còn thấp.
Với lợi thế riêng về du lịch, việc phát triển du lịch thời gian tới sẽ đi theo 2 hướng: Du lịch đẳng cấp cao có Khu du lịch Bình Tiên và du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của đồng bào Răglây. Từ đó, coi đây là một trong hướng đi giúp kinh tế - xã hội huyện Thuận Bắc phát triển tốt hơn trong tương lai, để du khách không chỉ nhớ đến Thuận Bắc là quê hương của “Giấc mơ Chapi”, mà còn là một trong những điểm sáng về kinh tế trên mảnh đất nắng gió Ninh Thuận.
Trong lĩnh vực năng lượng, trên địa bàn huyện hiện có rất nhiều dự án lớn, có dự án khai thác thương mại và dự án đang đầu tư. Do đó, vừa qua, huyện đã kiến nghị tỉnh xin phép trích lại một phần lợi nhuận cho địa phương để đầu tư hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội cho người dân vùng dự án. |