Vươn lên từ tiềm năng biển
Ông Nguyễn Thành Phú - Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải - chia sẻ, Ninh Hải có nhiều điểm đặc biệt, là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển nếu so với các địa phương khác. Do đó, trong các quy hoạch và trong định hướng về lâu dài hoặc trước mắt, Ninh Hải đều tập trung vào kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản, gắn với cánh đồng muối.
![]() |
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Hải quyết tâm tập trung phát triển kinh tế biển |
Theo đó, biển Ninh Hải có nhiều bãi rạn san hô - nơi cư trú sinh sản của các loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn; có ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, Ninh Hải còn có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng với các cảnh quan bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa… gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng, có khả năng mở các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển.
Về tiềm năng muối biển, sản lượng muối biển của Ninh Hải chiếm khoảng 50% sản lượng muối của tỉnh, song huyện là địa phương duy nhất có muối diêm dân (người dân trực tiếp làm muối). Hiện, cánh đồng muối của Ninh Hải lên tới 650ha với sản lượng hàng năm khoảng 290.000 tấn, tập trung chủ yếu ở khu vực đầm Vua, Khánh Hải, Tri Hải. Do vậy, nghề làm muối giúp cải thiện rất tốt đời sống của người dân. Để nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm thu nhập ổn định cho diêm dân, bên cạnh việc duy trì nghề làm muối trên nền đất, nhiều diêm dân trên địa bàn đã đầu tư công nghệ để sản xuất muối sạch bằng hình thức trải bạt nilon trên nền ruộng có phân ô kết tinh. Kỹ thuật này giúp nâng cao sản lượng cũng như chất lượng muối kết tinh.
Riêng với nuôi trồng thủy sản, lợi thế về sản xuất giống thủy sản đã được huyện phát huy. Diện tích nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm trên 600 ha. Trong đó diện tích nuôi tôm thương phẩm 500 ha/năm, sản lượng thu hoạch 2.100 tấn/năm. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả được nhân rộng. Sản xuất giống thủy sản phát triển mạnh, chiếm ưu thế của tỉnh với 316 cơ sở sản xuất có sức cạnh tranh cao. Sản lượng tôm giống bình quân 19,6 tỷ post/năm. Các trại hoạt động đã áp dụng quy trình xây dựng, thiết kế hoạt động, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, đã triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như: Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong biển theo VietGAP và chuỗi giá trị; nuôi vịt biển sinh sản; nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao đất…
Tiềm năng lớn với bờ biển trải dài còn giúp Ninh Hải phát triển tiềm năng du lịch biển. Sở hữu những địa điểm đẹp vươn tầm thế giới như vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, lại có một khu rừng nguyên sinh tại khu vườn quốc gia này, du lịch đang được Ninh Hải phát triển như một mũi nhọn kinh tế. Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Ninh Hải làm điểm đến để tìm kiếm cơ hội khai thác những điểm du lịch đẹp để phát triển. Ninh Hải còn có nhiều đình chùa đa dạng, là di tích quốc gia, thuận lợi để gắn du lịch với tâm linh. “Song song với kinh tế biển, du lịch, Ninh Hải còn có tiềm năng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Ví dụ, nho ở Ninh Hải chiếm 50% diện tích vườn nho của tỉnh, trong đó, vườn nho Thái An đang phát triển du lịch rất mạnh, giúp giá trị nho tại đây cao hơn các địa phương khác rất nhiều. Hoặc, hành tỏi có chất lượng rất ngon. Các sản phẩm khác như măng tây, lúa, đều là những sản phẩm gắn với du lịch. Đây là hướng đi mà Ninh Hải đang phát triển rất mạnh” - ông Nguyễn Thành Phú cho hay.
Một trụ cột thứ ba đang được Ninh Hải phát triển là khai thác các đô thị biển. Ninh Hải có Đầm Nại nổi tiếng trên cả nước, thu hút rất nhiều nhà đầu tư khai thác đô thị xung quanh đầm này. Giá trị đô thị hiện nay rất cao vì kết nối không gian rất tốt. Khu đô thị Cát Hải cũng đang kêu gọi đầu tư, mục tiêu đặt ra là sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ tới.
Phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Giai đoạn 2020 - 2025, Ninh Hải định hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chú trọng phát triển kinh tế biển và du lịch. Theo đó, huyện huy động, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả tài nguyên biển, đất đai, tuyến đường ven biển. Tăng cường đổi mới, hội nhập và phát triển sâu rộng. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ 38%, công nghiệp - xây dựng 38%, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản còn 24%.
![]() |
Cánh đồng muối trắng |
Huyện Ninh Hải xác định, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở hình thành, phát triển du lịch cụm Ninh Chữ - Vĩnh Hy, đầu tư khu lướt ván diều quốc tế tập trung tại thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải và các khu đô thị, điểm du lịch mới có đẳng cấp theo quy hoạch của tỉnh để tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho tăng trưởng; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch… Đặc biệt, mở rộng các hoạt động xúc tiến du lịch; liên kết các tour, tuyến, tổ chức các sự kiện, xây dựng chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm đặc thù để phục vụ khách du lịch. Phấn đấu thu hút du khách đến với Ninh Hải tăng 7%/năm; doanh thu 4.898 tỷ đồng, tăng 6%/năm.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế từ nay đến năm 2025, huyện cũng chú trọng vào các ngành, lĩnh vực như thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng. Trong đó, phát triển thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần nâng quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của huyện. Quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển cụm công nghiệp Tri Hải, nâng cấp cảng tổng hợp Ninh Chữ. Phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có điều kiện phát triển. Tập trung thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương.