![]() |
Sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao cho sản phẩm có năng suất, chất lượng cao |
Rau quả sạch “lên ngôi”
Mới đây, Úc đã chính thức cấp giấy thông hành cho mặt hàng xoài Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này, tiếp đến sẽ là quả thanh long. Mỹ cũng đang đề xuất cho phép trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Trước đó, thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa của Việt Nam cũng đã được tiêu thụ tại thị trường này. Nhờ xuất khẩu, giá mỗi cân trái cây đã tăng gấp nhiều lần. Nhiều người nông dân đã nở nụ cười bội thu thay cho cảnh rớt nước mắt bên những vựa trái cây đến vụ thu hoạch mà giá rẻ như cho. Việc các hợp đồng xuất khẩu rau quả liên tục được ký kết cũng đã chính thức đưa rau quả “soán ngôi” mặt hàng gạo và vươn lên đứng thứ 4 về xuất khẩu, sau thủy sản, cà phê và điều. Có được kết quả này là do các mặt hàng rau quả đã được trồng theo đúng quy trình sản xuất khắt khe, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà các thị trường khó tính đặt ra. Đây cũng được xem là con đường tất yếu để đưa nông sản xuất khẩu ra thế giới.
Với thị trường trong nước, cùng một mớ rau, nhưng nếu là rau trồng theo quy trình an toàn, sẽ có giá cao gấp 2 - 3 lần rau trồng bình thường; nếu là rau hữu cơ, bán trong cửa hàng thực phẩm sạch, giá có thể cao gấp 5 - 6 lần. Giá cao là vậy nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng lựa chọn để tránh những lo ngại về thực phẩm không an toàn.
Thực tế, về quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, Việt Nam đã ban hành 4 quy trình VietGAP cho rau quả tươi, chè búp tươi, lúa gạo, cà phê và 8 quy trình chăn nuôi tốt VietGAP cho bò sữa, bò thịt, dê sữa, dê thịt, lợn, gà, ngan/vịt và ong. Tuy nhiên, nông sản sạch là kết quả của một chuỗi sản xuất từ nông trại đến bàn ăn, gồm các khâu: Gieo hạt, chăm sóc ngoài đồng, thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản, giao thông chuyên chở, phân phối đến cửa hàng, để cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, để có nông nghiệp sạch lại là chuyện không hề đơn giản, không thể thực hiện một sớm một chiều.
Liên kết để có chuỗi sản xuất sạch
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Úc), để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, Việt Nam phải xây dựng và làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. “Xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP không phải của Chính phủ, của các bộ, ngành mà là xu thế tất yếu của thị trường quốc tế, là yêu cầu đối với sản xuất nông nghiệp, với nông dân. Người nông dân Nhật, Úc luôn có năng suất lao động, chất lượng nông sản rất cao, chính là vì họ tuân thủ rất nghiêm túc việc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, cùng với đó là ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật” – ông Vọng nhấn mạnh.
Về vấn đề kỹ thuật – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho rằng: Ngoài những công nghệ nước ngoài, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ nghiên cứu giống cây, con. Do đó năng suất lúa của chúng ta đạt 5,7 tấn/héc-ta, rất cao so với các nước trên thế giới. Hay trong nuôi trồng thủy sản, Việt Nam đã sản xuất được các giống cá song, cá tra, tôm... nông sản có chế biến hạt điều, chè, nghệ... Khi đưa công nghệ mới vào sản xuất, chất lượng, giá trị của các mặt hàng nông sản tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, do nông nghiệp sạch là một chuỗi sản xuất, nên các nguy cơ ô nhiễm về hoá chất, sinh học và vật lý có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào trong chuỗi. Chính vì vậy, để nông nghiệp thực sự sạch, chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định: Doanh nghiệp, nhà nông, nông dân nhỏ, ngân hàng, nhà khoa học đều phải tham gia chuỗi, chứ không thể đứng một mình. Tiến tới đưa nông dân vào Hợp tác xã. Nông dân nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác khai thác thị trường chứ không nhất thiết cứ phải là các tập đoàn lớn.
Với mong muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng, ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), thông tin, tới đây Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”. Trong đó, đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đây được xem như một cơ hội để nông nghiệp sạch tiến những bước mạnh mẽ, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.