Hướng đi nào cho cây có múi?

Giá cam đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nguy cơ "vỡ trận" đã được cảnh báo từ trước đó, khi không chỉ cam mà còn nhiều loại cây ăn quả có múi khác được trồng ồ ạt. Từ thực tế này, cần có ngay sự điều chỉnh để hướng tới sự phát triển bền vững.

Áp lực đầu ra

Ghi nhận tại chợ đầu mối phía Nam những ngày này, giá cam đang có mức thấp kỷ lục, 15.000 đồng/kg cam sành loại 1; 8.000 đồng/kg cam sành loại 2, thậm chí có chỗ bán 10.000 đồng/3kg loại 3, 4. Đối với cam vàng được giới thương lái giới thiệu là cam Vinh, cam Cao Phong có giá bán 15.000 đồng/kg loại ngon nhất. Anh Hùng - người buôn bán lâu năm tại chợ đầu mối phía Nam - cho hay, chưa bao giờ giá cam lại thấp như vậy. \"Giá 1 kg cam chỉ bằng 2 cốc trà đá, không lẽ lại không thu hoạch, cố thu được đồng nào thì thu vậy\" - anh Hùng than thở.

\"huong
Hà Giang sẽ nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cho cây cam sành

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá bưởi da xanh cũng giảm mạnh. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua bưởi loại 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) có giá 32 - 35 nghìn đồng/kg, loại 2 giá từ 20 - 23 nghìn đồng/kg, giảm hơn 50% so với 2 tháng trước.

Thực tế cho thấy, tình trạng cây ăn quả có múi đang được trồng ồ ạt thiếu kiểm soát, khiến sản lượng cung vượt cầu. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến hết năm 2017, cả nước có 923.900ha trồng cây ăn quả, tăng 52.500ha so với năm 2016. Trong đó, diện tích trồng cam tăng 10.000ha, trồng bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016. Diện tích trồng được mở rộng nhưng tỷ lệ chế biến thấp, không xuất khẩu (XK) được, gây áp lực lên thị trường.

Nỗ lực tìm giải pháp

Trong khi, tại nhiều địa phương, bà con ồ ạt mở rộng diện tích, không xây dựng thương hiệu sản phẩm và chưa chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất an toàn dẫn đến sản phẩm khó bán, giá thấp thì các sản phẩm sản xuất sạch, an toàn lại được thị trường đón nhận. Đây cũng là giải pháp nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hà Giang đang hướng tới.

Hà Giang vốn nổi tiếng với cây cam sành, hiện đã có hơn 8.700ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, năm 2018 cho sản lượng trên 62.000 tấn. Ông Nguyễn Khắc Quyền - Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang – cho biết: Sản phẩm cam Hà Giang nói riêng chín theo vụ và thời gian không dài, nếu không có giải pháp chế biến và bảo quản sẽ ảnh hưởng đến thu hoạch của bà con. Hiện, trên địa bàn đã có 3 cơ sở chế biến, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư để mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản và tìm kiếm thêm thị trường cho đặc sản này. Hiện tỉnh cũng đang triển khai mạnh mẽ xúc tiến thương mại đầu tư, chuẩn bị tổ chức Tuần lễ cam sành Hà Giang tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hướng tới XK trong thời gian tới.

\"Không mở rộng thêm diện tích trồng cam, Hà Giang sẽ nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cho cây cam sành, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để nâng cao vị thế sản phẩm chủ lực trên thị trường, hướng tới XK\" - ông Quyền chia sẻ.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, từ ngày 8-22/12/2018, Vietnam Airlines đưa đặc sản cam Cao Phong (Hòa Bình) trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách hạng Thương gia trên gần 70 đường bay của hãng.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận