Dự kiến, hội nghị lần này sẽ nêu bật 12 vấn đề kinh tế ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong năm 2019. Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại Thái Lan - Auramon Supthaweethum - cho biết, Hội nghị SEOM 1/50 sẽ thảo luận các nội dung liên quan đến cắt giảm chi phí giao dịch 10% vào năm 2020, và chuẩn bị trở thành nền kinh tế công nghiệp 4.0 với sự phát triển của tự động hóa và robot.
Hội nghị cũng sẽ tập trung vào sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để chuẩn bị cho nền kinh tế và kết nối kỹ thuật số. Tài liệu hướng dẫn về các biện pháp phi thuế quan của ASEAN là cần thiết để giảm thiểu các trở ngại thương mại, theo nguyên tắc minh bạch và không phân biệt đối xử.
![]() |
Các thành viên ASEAN cần tham vấn với các bên liên quan trước khi áp dụng các biện pháp phi thuế quan, cùng với việc áp dụng hệ thống hải quan một cửa ASEAN (ASW) tại 10 nước. Đây là một sáng kiến khu vực kết nối và tích hợp các cơ chế hải quan một cửa quốc gia của 10 nước thành viên. Hiện nay cơ chế hải quan một cửa đã được áp dụng ở Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam. Tại hội nghị SEOM lần này, chương trình nghị sự cũng sẽ đề cập đến mối liên kết của thực phẩm ASEAN với các điểm du lịch và phát triển thủy sản bền vững. Quan trọng hơn, ASEAN cần xây dựng các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) trong ngành ô tô để các hiệp định có thể được ký ngay trong năm nay.
Thái Lan cũng muốn thúc đẩy kết thúc Hiệp định RCEP trong năm 2019, sau 7 năm kể từ RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 với mục tiêu thiết lập sự hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand). Các nước thành viên RCEP chiếm tới 29% thương mại toàn cầu và có tổng dân số 3,35 tỷ người. Cùng với sáng kiến Một vành đai, Một con đường để xây dựng liên kết thương mại và đầu tư với các nước dọc theo con đường tơ lụa cũ đến châu Âu, Hiệp định RCEP là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành lấy lợi thế địa chính trị trong khu vực. Sau khi Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thực thi, trong tháng 12/2018, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết, Thái Lan sẽ không tham gia CPTPP trong nhiệm kỳ chính phủ này vì không có đủ thời gian để chuẩn bị. Tuy nhiên, Thái Lan là một trong nhiều đối tác quan tâm và mong muốn gia nhập CPTPP.