![]() |
Hội An đang đứng trước thách thức bảo tồn và phát triển |
Thưa ông, với chuỗi hoạt động dày đặc trong kỳ Festival di sản Quảng Nam lần thứ VI sắp tới, Hội An có xem đây là cơ hội để thu hút khách du lịch?
Festival di sản Quảng Nam chỉ là sự kiện để giới thiệu tới du khách các điểm đến khác tại Quảng Nam và Hội An được lấy làm trung tâm, nhằm lan tỏa phát triển du lịch cho toàn tỉnh. Bởi, hiện lượng khách đến Hội An đã vượt ngưỡng, không chỉ có dịp diễn ra các lễ hội mới đông khách mà tất cả các ngày trong tuần, nhất là cuối tuần lúc nào cũng đón lượng khách lớn. Năm 2016, Hội An đã đón hơn 2,6 triệu lượt khách trong đó 50% là khách quốc tế. Du lịch phát triển thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, tuy nhiên việc gia tăng lượng khách thời gian qua đặt ra nhiều thách thức đối với Hội An, như tình trạng kẹt xe, kinh doanh xô bồ, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
![]() |
Kiến trúc nhà cổ được xem là linh hồn của Hội An, hiện hoạt động bảo tồn được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hàng năm, chúng tôi đều triển khai các hoạt động bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà cổ. Nhưng hiện có một thực tế khiến chúng tôi lo lắng đó là nhiều hộ dân bán nhà cổ của gia đình để lại. Thực trạng đáng báo động đó làm mai một các nét truyền thống của nhà cổ. Các nhà cổ giờ chỉ đơn thuần là nơi thực hiện chức năng kinh doanh, buôn bán, chứ không phải để ở, thờ cúng như xưa. Đáng buồn hơn là hết giờ kinh doanh nhiều nhà cổ đóng cửa im ỉm, gây ra sự tiếc nuối về văn hóa sinh hoạt, thậm chí còn gây ra nguy cơ rình rập như tình trạng cháy nổ do không có người ở thường xuyên.
Vậy, cơ quan quản lý thành phố đã có những giải pháp nào để cứu nhà cổ?
Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân cố gắng hạn chế bán di sản và tích cực triển khai các hoạt động như: Đưa vào tour tham quan; trích % tiền vé tham quan cho các hộ dân; tạo điều kiện bà con phát triển kinh doanh phù hợp với cảnh quan, tham gia các hoạt động có thu nhân dịp diễn ra các lễ hội để họ có thể sống được bằng di sản, đủ điều kiện để giữ nhà cổ và đầu tư trùng tu.
Du lịch phát triển đồng nghĩa với việc tăng áp lực đối với hoạt động bảo tồn di sản, xin ông cho biết Hội An có những định hướng phát triển cụ thể ra sao trước thách thức này?
Chúng tôi luôn tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh Quảng Nam trong việc đầu tư và cũng luôn dành tối đa kinh phí từ bán vé để tái đầu tư, trùng tu, mở rộng chỉnh trang đô thị, mở thêm đường mới để lưu thông thuận tiện, đưa hệ thống xe điện vào phục vụ du khách. Còn về cơ sở lưu trú, Hội An không khuyến khích tăng, nhằm tránh tình trạng cung nhiều hơn cầu, dẫn tới cạnh tranh, phá giá.
Theo quy hoạch, chúng tôi định hướng lượng khách tăng 30-50%, thì lượng buồng phòng chỉ tăng 70-80%, khuyến khích đầu tư về vùng ven như Cẩm An, Cửa Đại, Tây Giang… và chủ yếu là xây dựng biệt thự, nhà vườn, chứ không xây khách sạn cao tầng như Đà Nẵng. Đặc biệt, chúng tôi quán triệt không phá ruộng để làm đô thị mà phải giữ cho được cảnh quan sinh thái. Với cách làm này, Hội An vẫn sẽ giữ được nét riêng có của mình.
Hội An không chủ trương dẹp thức ăn đường phố mà sẽ quy hoạch khu riêng đối với hoạt động này; các hộ kinh doanh luôn phải công khai thực đơn, niêm yết, bán đúng giá, thiết lập đường dây nóng, có người xác minh, xử phạt nghiêm các tình trạng “chặt chém”.
Xin cảm ơn ông!