Hòa Bình hướng tới trở thành một trong những hạt nhân phát triển của tiểu vùng Tây Bắc

Ngày 3/7, tại tỉnh Hòa Bình diễn ra Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2004 -2018 của tỉnh đạt 8,74% cao hơn bình quân chung cả nước là 6,42% cùng giai đoạn, cao hơn mục tiêu đề ra trong Kết luận 26 (7,5-8%/năm), xấp xỉ mục tiêu chung của toàn vùng đề ra trong Nghị quyết 37 (9-10%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2018 là 50,7 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu Kết luận 26-KL/TW (năm 2020 đạt 2.000 USD), gấp 14,2 lần so với năm 2004 (3,57 triệu đồng/người/năm).

hoa binh huong toi tro thanh mot trong nhung hat nhan phat trien cua tieu vung tay bac

Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng gấp trên 2 lần (từ 21% năm 2004 lên 47,36% năm 2018); tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản giảm mạnh từ 46,9% năm 2004 xuống 22,12% năm 2018.. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2004-2018 đạt 24.506 tỷ đồng; đến năm 2018 đạt 3.378 tỷ đồng, gấp 11,85 lần so với năm 2004 là 285 tỷ đồng. Cụ thể, công nghiệp phát triển mạnh với giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng liên tục tăng cao với tốc độ tăng trưởng bình quân cho giai đoạn 2004-2018 đạt 12,92%; giá trị tăng bình quân hằng năm đạt 21,15%, đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 32.650 tỷ đồng, gấp 37,8 lần so với năm 2004.

So với các tỉnh miền núi khác, Tỉnh Hòa Bình có nhiều điểm sáng trong huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2004-2018 đạt 92.965 tỷ đồng, bình quân hằng năm đạt 6.198 tỷ đồng; đến năm 2018 đạt 15.017 tỷ đồng, gấp 8,73 lần so với năm 2004. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh, tập trung vào các doanh nghiệp thuộc khu vực dân doanh. Đến cuối năm 2018 có khoảng 3.175 doanh nghiệp (với số vốn đăng ký gần 35.000 tỷ đồng), tăng gần 4,6 lần. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 531 dự án, trong đó có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 505 triệu USD. Kinh tế tập thể có bước phát triển đáng kể, đến 2018 có 310 HTX, trong đó có 276 HTX đang hoạt động và có 33.150 hộ kinh doanh cá thể.

Về những hạn chế, khó khăn và thách thức đối với Hòa Bình thời gian qua phần lớn các địa phương trong vùng chưa được cải thiện, thiếu các động lực tăng trưởng mới. Phát triển đô thị chậm, thấp hơn rất nhiều so với bình quân toàn quốc (Hòa Bình mới đạt 21%); năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; kinh tế tư nhân còn thiếu về số lượng, hạn chế về quy mô; đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hòa Bình và các địa phương trong vùng hầu hết ở nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng chỉ số PCI của cả nước. “Liên kết kinh tế nội vùng và liên kết ngoại vùng còn nhiều bất cập, các tỉnh trong vùng còn tập trung nhiều cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế riêng từng tỉnh mà chưa chú trọng đúng mức việc liên kết và khai thác lợi thế chung của vùng, khu vực. Các chuỗi giá trị hàng hóa bước đầu được hình thành nhất là nông sản, đặc sản nhưng còn manh mún; hạ tầng logicstic thiếu đồng bộ, ít được đầu tư làm chi phí sản xuất tăng cao…” - Báo cáo nêu rõ.

Khai thác tốt hơn lợi thế cửa ngõ vùng Tây Bắc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn bị nghiêm túc của Tỉnh ủy Hòa Bình trong việc triển khai tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Văn Bình lưu ý, cần tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh. Cụ thể, tập trung nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương thời gian tới. Quy hoạch và mở rộng thành phố Hòa Bình trở thành thành phố công nghiệp, du lịch, thương mại để “Hòa Bình trở thành một trong những hạt nhân phát triển của tiểu vùng Tây Bắc”. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, hình thành các trung tâm thương mại vùng, các thị trấn, thị tứ để đô thị có thể dẫn dắt và phục vụ cho công nghiệp.

hoa binh huong toi tro thanh mot trong nhung hat nhan phat trien cua tieu vung tay bac
Ông Nguyễn Văn Bình lưu ý tỉnh Hòa Bình cần tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh

Trên cơ sở đó, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tập trung vào du lịch sinh thái, du lịch tham quan, thể thao nghỉ dưỡng. Khai thác triệt để tiềm năng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng du lịch đồng bộ; xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, thân thiện với môi trường, đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao để khai thác tốt hơn lợi thế là cửa ngõ vùng Tây Bắc.

Ngoài ra, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp xanh; phát triển các khu công nghiệp có chức năng hiện đại kết nối được với các lĩnh vực khác nhất là với nông nghiệp; đẩy mạnh các ngành, lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng như khai thác, chế biến khoáng sản. Đồng thời đề xuất các giải pháp liên kết giữa các địa phương nhằm khai thác các lợi thế phân tán có tính vùng như tài nguyên khoáng sản, nước, tái tạo và khai thác vốn rừng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đơn lẻ để tạo thành sức mạnh vùng; các giải pháp trong thu hút đầu tư nhằm hạn chế cạnh tranh, triệt tiêu lợi ích vốn đã nhỏ của các địa phương; khai thác lợi thế về địa chiến lược là địa phương nằm trong vùng Thủ đô với tuyến cao tốc Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình.

Trưởng ban kinh tế Trung ương cũng chỉ ra, trong bối cảnh hiện nay nhiều cơ chế, chính sách nhất là về lao động, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ được áp dụng chung cho cả nước. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp hơn các địa phương khác trong cả nước; vì vậy đề nghị tỉnh đề xuất thêm các giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng, tỉnh tập trung vào các chuẩn và điều kiện thực hiện các chuẩn về y tế, giáo dục, nông thôn mới; chính sách di dân, tái định cư; chính sách dân tộc, tôn giáo; chính sách đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao mức độ cảm thu về vật chất tinh thần của người dân. Với các giải pháp trọng tâm nêu trên sẽ cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Hòa Bình trong thời gian tới.

Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận