Hòa Bình: Đa dạng các giải pháp tiêu thụ hàng Việt

Xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa có chất lượng; tổ chức các phiên chợ, đưa hàng Việt về nông thôn… là những giải pháp tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai để hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ).
\"\"
Ảnh minh họa

Đầu tháng 11 vừa qua, Sở Công Thương Hòa Bình đã tổ chức khai trương Điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Cửa hàng kinh doanh bách hóa tổng hợp Quang Trung tại xã Ngọc Sơn - một xã vùng cao thuộc huyện Lạc Sơn. Đây là mô hình Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên được Sở Công Thương Hòa Bình xây dựng trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.

Điểm bán hàng này được đánh giá cao bởi đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với hàng hóa phong phú đa dạng, chất lượng do các DN trong nước sản xuất. Điểm bán hàng được kỳ vọng không những tạo ra hiệu ứng xã hội về việc thực hiện CVĐ, mà còn phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường, nâng cao sức mua của người dân. Từ nay đến năm 2020, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hòa Bình nỗ lực xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt trên địa bàn mỗi huyện, thành phố để hàng hóa do Việt Nam sản xuất ngày càng đến gần với người tiêu dùng.

Ngoài việc xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, thời gian qua, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy CVĐ như: Kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ tới các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động các DN tổ chức tốt các nguồn hàng có chất lượng cao, có thương hiệu, sản xuất trong nước với giá cả hợp lý về thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn ưu tiên trưng bày và bán sản phẩm Việt; đồng thời kết hợp với các chương trình quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất cũng được thực hiện. Cụ thể, từ cuối năm 2015 đến nay, đã triển khai thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại 2 huyện Đà Bắc và Lạc Sơn. UBND các huyện, thành phố cũng tổ chức thành công 11 hội chợ thương mại, trong đó có 1 hội chợ cấp vùng với quy mô 287 gian hàng, thu hút 129 DN tham gia, doanh thu đạt 5 tỷ đồng; 1 hội chợ cấp tỉnh với quy mô 200 gian hàng, thu hút 120 DN tham gia, doanh thu đạt 2 tỷ đồng và 9 hội chợ cấp huyện với nhiều mặt hàng đa dạng, mang nét đặc trưng của địa phương, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Các DN cũng không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, từ cửa hàng, siêu thị đến chợ truyền thống và tổ chức bán hàng trực tiếp đến tay người dân qua các phiên chợ. Đồng thời, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại, kích thích sức mua, để từ đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.

Ban chỉ đạo CVĐ đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về CVĐ đến các DN, nhà sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối; tăng cường quản lý thị trường, hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bảo Ngọc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận