![]() |
Trên thế giới, từ lâu, nhiều nước đã thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý cho DN. Hầu hết các nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu coi việc thông tin và hỗ trợ pháp lý cho DN là trách nhiệm của nhà nước. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản…, việc hỗ trợ pháp lý cho DN được Chính phủ đặc biệt coi trọng. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo ông Dương Đăng Huệ- Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp), nhiều địa phương vẫn chưa bố trí kinh phí hỗ trợ pháp lý cho DN hoặc bố trí rất ít. Kinh phí cho công tác này cũng có khoảng cách khá xa giữa các địa phương. Nếu như ở Hà Nội, con số này là 6 tỷ đồng, thì ở Hà Tĩnh là 250 triệu đồng, các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang chỉ là 50 triệu đồng/năm.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hoạt động của DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN giai đoạn 2010- 2014. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng nhất, đặt nền móng đầu tiên cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn trong việc triển khai thi hành một số nội dung như về trách nhiệm của cơ quan liên quan, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương hay cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác này. Do vậy, các Nghị định này cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung giải quyết các vấn đề tồn tại.
Ông Phạm Tuấn Khải- Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đề xuất: Cải cách thể chế kinh tế, trong đó đặc biệt là các quy định liên quan đến môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý hỗ trợ thúc đẩy, tạo động lực cho DN phát triển không thể là việc làm một sớm một chiều. Do vậy, trong giai đoạn 2015 – 2020 cần tập trung hướng chính sách đến hỗ trợ trực tiếp về pháp lý cho DN. Theo đó, cần bảo đảm đồng bộ với các chính sách hỗ trợ khác nhằm tạo sự chủ động cho DN nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. n
Để hỗ trợ pháp lý cho DN có trọng tâm, cần nghiên cứu phân chia các đối tượng theo từng loại hình DN, theo từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ pháp lý cho DN cũng cần được hoạch định có tầm nhìn, bảo đảm sự ổn định và bền vững với môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch đối với cộng đồng DN.