Hiệu quả lớn từ nguồn vốn nhỏ

Dù nguồn vốn hỗ trợ dành cho các đề án tuy không nhiều so với tổng mức đầu tư của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) nhưng chương trình khuyến công tại Yên Bái đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư phát triển.
\"\"
Nguồn vốn khuyến công đã tạo động lực phát triển công nghiệp nông thôn

Năm 2015, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái đã phối hợp, triển khai 20 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Mặc dù, nguồn vốn hỗ trợ cho mỗi đề án không lớn nhưng hiệu quả lại rất đáng kể, có sức khuyến khích lớn đối với cơ sở CNNT.

Điển hình, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, trung tâm khuyến công tỉnh đã hỗ trợ Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng công trình Tài - Đức (xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên) xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất gạch không nung. Tổng vốn đầu tư dự án 5.096,5 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 326,25 triệu đồng. Dự án hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định đạt 100% công suất sẽ cho ra 7,5 triệu viên gạch/năm. Dự kiến, doanh nghiệp đạt doanh thu khoảng 9.250 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 26 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/ tháng. Vì sản phẩm gạch không nung sử dụng phế thải công nghiệp như mạt đá, xỉ than, nên khi vào vận hành, dự án sẽ giảm lượng chất thải rắn, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Ông Nguyễn Trung Khoản - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Tài - Đức- cho biết, với quy mô đầu tư lớn nên việc huy động vốn của công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ đã động viên, khích lệ công ty đầu tư, công ty cố gắng huy động mọi nguồn lực để xây dựng mô hình sản xuất ổn định.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục ưu tiên cho các đề án trong các lĩnh vực địa phương có tiềm năng, thế mạnh như: Chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Cũng trong năm 2015, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trung tâm khuyến công tỉnh đã hỗ trợ 124,8 triệu đồng, khuyến khích Công ty TNHH cơ khí và xây dựng Thái Bình (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) đầu tư xây dựng xưởng sửa chữa, gia công cơ khí với tổng mức đầu tư 1.657 triệu đồng.

Đại diện công ty cho biết, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ tuy không nhiều nhưng đã khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao tính chủ động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Dự kiến, khi đi vào sản xuất ổn định, doanh nghiệp đạt doanh thu khoảng 2.500 triệu đồng, tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá chung, các đề án được hỗ trợ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT phát triển sản xuất, tăng đáng kể doanh thu và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, trung tâm khuyến công còn hỗ trợ cho cơ sở kiến thức về sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh… Có thể thấy, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ tuy còn nhỏ nhưng đã có tác động tích cực đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy CNNT phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

Quang Nguyễn - Ngọc Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận