Hậu Giang xây dựng 3 phương án chống dịch tại các chợ truyền thống

Với những diễn biến mới nhất của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Sở Công Thương Hậu Giang cho biết đã xây dựng 3 phương án chống dịch tại các chợ truyền thống nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời để đảm bảo lưu thông hàng hóa, cung ứng cho người dân.
Hậu Giang: Nguồn hàng cung ứng cho người dân đủ dùng trong 3 tháng

Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, sở này vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ trên địa bàn tỉnh và đưa ra 3 phương án phòng, chống dịch tại các chợ. Trong đó, phương án 1 là khi các tỉnh, thành phố lân cận có xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; phương án 2 là khi có trường hợp nhiễm Covid-19 tại chợ; phương án 3 là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong tỉnh có nhiều ca nhiễm bệnh.

Việc đảm bảo an toàn chống dịch tại các chợ đã được Sở Công Thương Hậu Giang xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể

Theo đó với phương án 1 sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh, mua bán các mặt hàng không thiết yếu tại các chợ hạng I, nhất là chợ hạng I tiếp giáp với các tỉnh lân cận như chợ Ngã Bảy, TP. Ngã Bảy (tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng). Song song đó sẽ tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; phân luồng phong tỏa lối đi phụ vào chợ; bố trí điểm trông giữ xe cho người dân đi mua sắm; thương nhân phải ghi nhật ký bán hàng, giao dịch nhằm để phục vụ cách ly, truy vết; sắp xếp khu vực kinh doanh phù hợp; phát phiếu mua hàng hạn chế người vào chợ; thương nhân kinh doanh luân phiên bán hàng (ngày lẻ, chẳn) khi cần thiết; thực hiện vệ sinh môi trường khử khuẩn 1 lần/ngày. Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài chính, các Sở ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ cho các tiểu thương bị ảnh hưởng do bệnh theo quy định.

Ở phương án 2 - khi có trường hợp mắc Covid-19 tại chợ, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện ngừng hoạt động kinh doanh đối với chợ hạng I có ca Covid-19 cho đến khi có quyết định mới. Phong tỏa tạm thời toàn bộ chợ có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế. Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Thông báo cho toàn thể nhân viên Ban Quản lý chợ, tiểu thương và người dân đang có mặt tại chợ; yêu cầu nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K; không để xảy ra hoang mang, lo lắng.

Đối với việc cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các Sở ngành có liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân khu vực có chợ bị cách ly, phong tỏa; phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa tăng cường nguồn hàng, khai thác tối đa công xuất hệ thống siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh, cửa hàng tiện ích hiện có hoặc thành lập các chợ dã chiến nếu cần thiết… đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Với phương án 3, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh quyết định phong tỏa toàn bộ chợ có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế. Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Đặc biệt, có kế hoạch cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân khu vực có chợ bị cách ly, phong tỏa; phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa tăng cường nguồn hàng, khai thác tối đa công xuất hệ thống siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh, cửa hàng tiện ích hiện có hoặc thành lập các chợ dã chiến nếu cần thiết… đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu người dân trong khu vực bị ảnh hượng dịch Covid-19. Nhằm hạn chế tập trung đông người, địa phương thực hiện việc phát phiếu mua hàng theo định kỳ cho từng hộ gia đình; khuyến khích các doanh nghiệp và nhân dân tăng cường mua, bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà. Mặt khác, Sở Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng và tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm và quyết định dừng các chợ không thực hiện phương án phòng, chống dịch.

Ông Thậm cho biết, hiện Hậu Giang có 72 chợ, gồm 6 chợ hạng I, 7 chợ hạng II, 59 chợ hạng III, chợ tạm và chợ đêm. Trong số này có 27 chợ do 24 doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, chiếm 37,5%; 45 chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý, chiếm tỷ lệ 62,5%. Các chợ được xây dựng, bố trí đều khắp trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, thời gian qua các chợ hoạt động khá hiệu quả, hàng hóa phong phú, dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Thùy Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận