Hà Tĩnh: CPI quý 1/2020 tăng cao nhất trong 5 năm

Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, tuy CPI tháng 3 đã giảm 0,68% so với tháng trước nhưng CPI bình quân quý I/2020 vẫn tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Kết quả này đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, làm tăng áp lực lên việc kiềm chế lạm phát trong năm nay.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2020 của Hà Tĩnh tăng đột biến đang tác động tiêu cực đến việc ổn định thị trường. Để kiềm chế lạm phát, đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

ha tinh cpi quy 12020 tang cao nhat trong 5 nam
Giá thịt lợn tại chợ ở mức cao được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chỉ số CPI 3 tháng đầu năm 2020

Hơn 3 tháng đầu năm 2020, các yếu tố bất lợi như: giá thịt lợn duy trì ở mức cao kỷ lục do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19… đã tác động lớn tới đời sống dân sinh, đẩy chỉ số CPI của Hà Tĩnh tăng lên.

Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Hà Tĩnh ước đạt 10.703,49 tỷ đồng, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.420 tỷ đồng, tăng 14,91%; hàng may mặc đạt 633,51 tỷ đồng, tăng 11,15%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 1.224,044 tỷ đồng, tăng 2,6%; ô tô con tăng 60,52%,…Theo đánh giá chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, thị trường cung – cầu hàng hóa những tháng đầu năm đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Sự tăng trưởng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã tác động làm cho tổng mức bán lẻ tháng 2/2020 ước tính giảm 14,4% so với tháng 1 và tháng 3 giảm 2,14% so với tháng 2.

Tính chung 3 tháng, một số nhóm ngành có doanh thu giảm mạnh như: Vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 42,43%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 12,07%; phương tiện đi lại trừ ô tô con giảm 14,75%; xăng dầu các loại giảm 1,45%; nhiên liệu khác giảm 10,73%.

ha tinh cpi quy 12020 tang cao nhat trong 5 nam
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 10.703,49 tỷ đồng, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện phòng Thống kê – thương mại Cục Thống kê Hà Tĩnh cho biết: “Trong thời gian qua, giá thịt lợn “neo” ở mức quá cao, khiến các mặt hàng thiết yếu bị chi phối. Cùng đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động thông thương với Trung Quốc, đồng thời đẩy nhu cầu một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh, lương thực, thực phẩm chế biến sẵn trên đà tăng lên gây khó khăn cho công tác điều hành giá trong quý I vừa qua”.

Cũng theo cục Thông kê Hà Tĩnh, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và có tác động mạnh tới sản xuất - kinh doanh, tới nguồn cung của thị trường thì rất dễ dẫn đến việc mất cân bằng cung - cầu hàng hóa gây khó khăn trong điều chỉnh CPI và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, không thể loại trừ các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến CPI như: việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình (y tế, giáo dục); biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới; điều chỉnh mức lương cơ bản...

Thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi chủ động thực hiện tái đàn lợn với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tốt để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trên địa bàn, làm điều kiện đưa giá thịt lợn xuống thấp, góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng.

Trước thay đổi nhanh chóng của thị trường, đòi hỏi công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát cung cầu được thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, đặc biệt là trong quý II này.

Giải pháp trước mắt trong thời gian đang có dịch covid-19, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần chủ động, tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh qua thương mại điện tử, tránh tụ tập đến các cơ sở ăn uống, thay đó có thể đặt hàng online, để ứng phó với dịch bệnh.

Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận