Hàng hóa giả mạo thương hiệu Việt - khi lòng tin bị lợi dụng

Những năm trở lại đây, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhưng đi cùng với đó là số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu Việt cũng ngày càng tăng lên nhằm đánh lừa khách hàng để dễ bán và bán giá cao. Điều khiến nhiều người tiêu dùng trở nên hoang mang lo ngại.

Trà, cà phê, nước mắm nằm trong Top sản phẩm thường bị giả mạo nhãn hiệu Việt

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay, qua công tác truyền thông, tuyên truyền ý thức của người tiêu dùng đã được nâng cao nhận thức để tránh mua phải hàng hóa không bảo đảm chất lượng có nguy cơ độc hại tới sức khỏe. Người dân đã có tâm lý lựa chọn tiêu dùng hàng hóa của Việt Nam có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng.

Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng vi phạm cũng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi tìm cách giả mạo bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của Việt Nam (thậm chí giả những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam) để lừa dối người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

hang hoa gia mao thuong hieu viet khi long tin bi loi dung
Nước mắm Việt là một trong những sản phẩm bị giả mạo nhãn hiệu nhiều

Không chỉ vậy, từ sau khi Việt Nam liên tiếp tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều loại hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi rất thấp đến 0% khiến các đối tượng nảy sinh hành vi gian dối để trốn thuế và che đậy mục đích riêng dẫn đến việc lạm dụng xuất xứ “Made in Viet Nam” để đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ một phần hoặc đưa đi xuất khẩu đến các thị trường ở các nước phát triển ngày càng trở nên khó lường hơn.

Trên thị trường hiện nay, những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xuất xứ Việt Nam, gắn mác Việt Nam có thể nhắc tới gồm có: thực phẩm, rau củ quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em, đồ dùng, thiết bị giáo dục; chất tẩy rửa, hàng gia dụng (đồ dùng nhà bếp, đồ nhựa, đồ dùng gia đình các loại), điện gia dụng (bóng đèn, dây điện, pin đèn…), thiết bị xây dựng...

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng chủ yếu là thay nhãn, thay xuất xứ của hàng hóa hoặc nhập nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm về sang chiết, đóng gói, thay nhãn, thay xuất xứ để đưa đi tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Theo ông Trần Hữu Linh -Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ngoài hàng hoá trong nước bị giả mạo còn có hàng hóa được thẩm lậu từ biên giới vào thị trường nội địa, trên bao bì, nhãn mác hàng có ghi dòng chữ "Made in Vietnam" cũng bị các đối tượng lợi dùng để lừa dối người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, theo thông tin báo chí và ý kiến của một số chuyên gia của Mỹ phát biểu tại Hội thảo khu vực châu Á về Phòng chống buôn bán thực phẩm, thức uống, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng nhanh giả mạo thì “một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ đã bị giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu, nhiều nhất là ba sản phẩm trà, cà phê và nước mắm”.

Công tác xác minh xử lý gặp nhiều khó khăn

Những khó khăn trong công tác kiểm tra kiểm soát cũng được các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế...nêu ra: Nếu các lực lượng chức năng không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở.

Khi đã lưu thông trên thị trường, các mặt hàng này thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng không hề dễ dàng. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó (chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật,…).

Chưa kể đến việc, giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm được. Đơn cử như hàng nông sản nước ngoài và hàng nông sản Việt Nam đối với người tiêu dùng thông thường rất khó phát hiện. Đôi khi chỉ phân biệt được qua cảm quan, kinh nghiệm, nhưng để xác định vi phạm thì phải có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng. Hoặc nếu giám định để xác định vi phạm thì phải có chỉ tiêu phân biệt thì mới dùng kết quả giám định để xác định vi phạm được, điều này rất khó thực hiện trong thực tế.

Chính vì thế, để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gắn nhãn mác xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, lực lượng QLTT xác định cần phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan như Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an, Cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền phổ biến để cho người dân, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật, nắm được các thông tin về phân biệt xuất xứ hàng hóa, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh hàng giả (thông qua các hình thức phát thanh, truyền hình, hội thảo, triển lãm, phát hành các ấn phẩm...). Đối với từng địa bàn cụ thể, đặc biệt là tại các khu vực kinh doanh tập trung, các đơn vị triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh (tổ chức ký cam kết, hướng dẫn trực tiếp).

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT hiện đang tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng kế hoạch kiểm tra; triển khai việc thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu phố, chợ, trung tâm thương mại,…). Từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ hay bị giả xuất xứ Việt Nam để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp; Tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp để triển khai các chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Thu Hà
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận