Hải Phòng: Xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền cảng”

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện (Cảng Lạch Huyện) đã được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn là nơi xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền cảng” đầu tiên tại Việt Nam.
\"\"
Mô hình “Chính quyền cảng” là chương trình quản lý dịch vụ cảng đang hoạt động hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.

Thực tế, quy mô cũng như địa thế của Cảng Lạch Huyện hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện để xây dựng “Chính quyền cảng”. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, cảng nằm trong địa giới hành chính của TP. Hải Phòng, chịu sự kiểm soát của chính quyền địa phương, đặc biệt là về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Do đó, Bộ yêu cầu thành phần trong hội đồng “Chính quyền cảng” Lạch Huyện phải có sự tham gia của chính quyền TP. Hải Phòng. Cụ thể, sẽ bao gồm đại diện các ngành chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về cảng biển, chính quyền địa phương và giải quyết theo thẩm quyền của địa phương.

Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đánh giá cao mô hình này, bởi nhiều năm qua, việc xây dựng cảng biển Việt Nam thường manh mún, không đồng bộ. Thông qua “Chính quyền cảng”, những bất cập đó sẽ được giải quyết.

Được biết, mô hình “Chính quyền cảng” là chương trình quản lý dịch vụ cảng đang hoạt động hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Về cơ bản “Chính quyền cảng” giống như một ban quản lý (BQL) khai thác cảng biển, nhưng chỉ có thể áp dụng ở những cảng biển lớn, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cả nước hoặc tiểu vùng. Với mô hình này, BQL khai thác cảng biển sẽ được chủ động, căn cứ trên thực tế chủng loại tàu thường ra vào cảng, hàng hóa thường xếp dỡ... từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động, bảo đảm cân đối giữa cung và cầu, đầu tư chính xác cho xây dựng cầu, bến cảng với quy mô phù hợp theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. BQL cũng được công bố và thu các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ trong khung phí, lệ phí, giá dịch vụ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức đấu thầu rộng rãi cho tư nhân (trong và ngoài nước), xây dựng hoặc thuê khai thác các cầu, bến cảng, khu hậu cần cảng... để kinh doanh khai thác trong một số năm nhất định (thường từ 20 - 30 năm).

“Chính quyền cảng” sẽ dần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển và kinh doanh khai thác cảng biển.
Quốc Cường
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận