Theo đó, cố vấn Nhà Trắng - Kellyanne Conway - nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ “muốn có một thỏa thuận”, “công bằng với người Mỹ, người lao động Mỹ và lợi ích của người Mỹ”.
Hiện vẫn chưa biết hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ở đâu và khi nào để hoàn tất một thỏa thuận đã đặt ra những lo ngại rằng cuộc đàm phán đang chùn bước khi thời hạn ngày 01/3 đến gần. Nếu sau đó không có thỏa thuận nào, Tổng thống Donald Trump sẽ tăng gấp đôi mức thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Với phận sự của mình, các nhà đàm phán của hai nước sẽ gặp nhau trong tuần này tại Bắc Kinh và phía Mỹ đang thúc ép Trung Quốc cam kết cải cách sâu sắc hơn mô hình kinh tế do nhà nước điều hành mà Mỹ cho rằng làm tổn thương các công ty Mỹ. Các quan chức cấp kỹ thuật đã bắt đầu thảo luận vào ngày 11/02 để chuẩn bị cho hai ngày hội đàm 14-15/02 có sự tham gia của Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Lưu Hạc.
![]() |
Trước đó, Tổng thống Trump đã khẳng định cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc sẽ không diễn ra trong tháng này. Cố vấn Nhà Trắng Conway ngày 11/02 cho biết, hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau vào tháng 3 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump tại Florida. Tổng thống cũng tuyên bố sẽ không có thỏa thuận nào là cuối cùng cho đến khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong khi đó, cũng trong ngày 11/02, các quan chức Trung Quốc đã đề xuất hai nhà lãnh đạo gặp nhau trên đảo phía nam Trung Quốc vào khoảng thời gian diễn ra Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên, được tổ chức từ 26-29/3. Nhưng đề xuất này chỉ là sơ bộ và Mỹ vẫn chưa phản hồi về ý tưởng này, cả địa điểm và thời gian của cuộc gặp thượng đỉnh vẫn chưa được thống nhất. Tại vòng đàm phán ở Washington vào cuối tháng 01 đã dẫn đến việc Trung Quốc nhập khẩu đậu nành của Mỹ khi nước này thực hiện cam kết sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ. Mặc dù các giao dịch mua đó sẽ hỗ trợ cho nông dân Mỹ, nhưng không có sự đột phá nào về các vấn đề cơ cấu đang ngăn cách hai quốc gia, như chính sách công nghiệp, trợ cấp của chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc chuyển giao công nghệ.
Đang đối mặt với suy thoái kinh tế trong nước, Chính phủ Trung Quốc có một động lực mạnh mẽ để giải quyết các yêu cầu của Mỹ và chấm dứt cuộc chiến thương mại. Nước này đã phê duyệt nhanh một đạo luật sẽ cấm hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể thỏa hiệp bao nhiêu nữa. Với việc Mỹ hiện đang đẩy mạnh kế hoạch ưu tiên chi tiêu cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, sẽ rất khó để yêu cầu Trung Quốc loại bỏ các chính sách của mình nhằm thống trị các công nghệ tiên tiến. Theo nhóm nghiên cứu độc lập, Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc, “điều quan trọng là liệu Mỹ và Trung Quốc có thể tìm thấy điểm chung hay không”, đồng thời cũng không thể loại trừ rằng Mỹ sẽ gia hạn thời hạn ngày 01/3, nhưng vẫn còn quá sớm để dự đoán bất cứ điều gì.