Hải Dương: UBND huyện Ninh Giang nói gì về việc cưỡng chế các cây cầu dân sinh?

Đại diện UBND huyện Ninh Giang chia sẻ với Báo Công Thương xung quanh quyết định cưỡng chế các cây cầu dân sinh tại thôn An Lý, xã Hưng Long.
Sau phản ánh của Báo Công Thương, Hải Dương dỡ 'chốt tuần tra' gây mất an toàn giao thôngVụ cưỡng chế cầu dân sinh tại Ninh Giang - Hải Dương: Chưa ''thấu tình, đạt lý'', người dân kêu cứu

Thực hiện đúng các quy định của pháp luật

Gần đây, một số người dân tại thôn An Lý, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã phản ánh tới Báo Công Thương về việc không đồng thuận tháo dỡ cầu dân sinh bắc qua kênh Đại Phú Giang. Người dân cho rằng việc tháo dỡ cầu sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sinh kế của các hộ dân trong khu vực.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, năm 2004, UBND xã Hưng Thái (nay là Hưng Long) huyện Ninh Giang đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cho các đối tượng đủ tiêu chuẩn giãn dân để làm nhà ở theo qui hoạch. Trên sơ đồ bản vẽ đấu giá đất đã thể hiện đường đi, sát mương tưới tiêu nội đồng. Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm trúng đấu giá đất chưa có công trình giao thông, đường chưa được làm, có vùng trũng, sình lầy. Do đó, các hộ dân đã phải bắc cầu qua sông làm lối đi.

Bên cạnh đó, việc chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế phá dỡ cầu dân sinh là chưa thoả đáng với mong muốn được giữ lại các cây cầu để mưu sinh của người dân. Những nội dung này đã được Báo Công Thương phản ánh trong bài viết: “Vụ cưỡng chế cầu dân sinh tại Ninh Giang - Hải Dương: Chưa ''thấu tình, đạt lý'', người dân kêu cứu”.

Ông Nguyễn Văn Hướng – Chánh văn phòng UBND huyện Ninh Giang. Ảnh: Quang Sơn

Để làm rõ hơn vấn đề, ngày 19/7, Báo Công Thương đã có buổi làm việc với đại diện UBND huyện Ninh Giang về lý do và mục tiêu của quyết định này. Theo ông Nguyễn Văn Hướng, Chánh văn phòng UBND huyện Ninh Giang: “Năm 2004, tại thời điểm đấu giá Quyền sử dụng đất không quy định bắt buộc phải làm đầy đủ hạ tầng. Khi đó, địa phương đã tổ chức đấu giá Quyền sử dụng đất theo hiện trạng các thửa đất, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó các thửa đất đã được quy hoạch đường đi ở phía Bắc khu vực đấu giá, giáp mương thuỷ lợi. Thực tế tại khu vực này vẫn tồn tại đường sản xuất ra đồng và được quy hoạch là đường giao thông (đường dân sinh)”.

“Do đó, việc người dân tự ý xây cầu là trái phép, vi phạm khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 28 – Pháp lệnh số 32/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tại điều 8, khoản 10 Luật Thuỷ lợi 08/2017/QH14 về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, quy định nghiêm cấm các hành vi: Lấn chiếm, sử dụng đất, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi”, ông Hướng nêu.

Chia sẻ về lý do phải phá dỡ các công trình vi phạm (cầu, lều quán...) tại buổi làm việc, ông Trần Xuân Thuận – Chánh Thanh tra huyện Ninh Giang thông tin thêm, tuyến kênh Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ có tổng chiều dài 14,2km đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Theo đó, để thuận lợi thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp các kênh này, UBND huyện Ninh Giang đã rà soát và xác định có 156 cây cầu và 24 lều quán ven tỉnh lộ 396, cùng nhiều công trình tạm, sân, tường bao do người dân tự ý xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi ở 6 xã (Hưng Long, Hồng Phúc, Kiến Quốc, Hồng Phong, Hồng Dụ, Đồng Tâm).

Vì vậy, Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang kết cấu hạ tầng an toàn giao thông đường bộ và công trình thủy lợi huyện đã phân công nhiệm vụ cho tổ tuyên truyền, vận động, tổ chuyên môn hỗ trợ xử lý vi phạm phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các xã tuyên truyền, vận động đến các chủ thể vi phạm trên địa bàn 6 xã.

Kết quả đến hết tháng 5/2024 toàn huyện đã có 147/156 cầu và 24 lều quán ven tỉnh lộ 396 được người dân tự giác tháo dỡ, giải toả, chỉ còn lại 9 cầu của 8 hộ dân trên địa bàn thôn An Lý, xã Hưng Long chưa đồng ý tháo dỡ.

Ông Trần Xuân Thuận – Chánh Thanh tra huyện Ninh Giang. Ảnh: Quang Sơn

Chia sẻ tại buổi làm việc về quy trình thực hiện quyết định cưỡng chế cầu, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ninh Giang thông tin: “Sau khi các cơ quan chức năng của huyện tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhiều lần nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành việc tháo dỡ các công trình vi phạm, UBND huyện đã thực hiện các trình tự thủ tục ban hành quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật đối với 8 hộ gia đình chưa tháo dỡ các công trình vi phạm”.

Ngày 12/7/2024, Ban chỉ đạo cưỡng chế huyện đã ban hành các Thông báo số 01, 02, 03, 04/TB-BCĐCC về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 4/8 hộ vi phạm lĩnh vực giao thông thủy lợi tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang và đã tiến hành cưỡng chế ngày 17/7.

“Ban chỉ đạo thực hiện cưỡng chế đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng các công trình vi phạm và tiến hành các biện pháp tháo dỡ, di chuyển các công trình xây dựng, tài sản trong phạm vi công trình thủy lợi, hành lang an toàn giao thông đường bộ mà các hộ gia đình đã xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu cho công trình thủy lợi và hành lang an toàn giao thông đường bộ. Các bước thực hiện đều đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật, an ninh trật tự được bảo đảm” – Trưởng phòng Tư pháp huyện Ninh Giang nêu.

Dự kiến, Ban chỉ đạo cưỡng chế thuộc Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang sẽ tiếp tục thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm của 4 hộ dân còn lại vào ngày 12/8 tới.

Thiếu sót của chính quyền hai cấp huyện, xã từ thời kỳ trước để lại

Trước băn khoăn của người dân về việc, có hay không sự chậm chễ can thiệp của chính quyền địa phương, không vào cuộc xử lý dứt điểm ngay từ đầu khi biết người dân vi phạm trong việc làm cầu, khiến tài sản của người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống an sinh. Trả lời vấn đề này, đại diện UBND huyện Ninh Giang chỉ rõ, đối với các hành vi vi phạm của các hộ gia đình đã được Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện, UBND xã Hưng Thái lập biên bản ngay tại thời điểm phát sinh vi phạm, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm.

Cũng theo đại diện UBND huyện: “Cần thừa nhận đây là một phần thiếu sót của chính quyền hai cấp huyện, xã từ thời kỳ trước để lại”.

"Chúng tôi mong người dân chia sẻ và đồng thuận, ủng hộ cùng chung tay với chính quyền địa phương để chỉnh trang đô thị, xây dựng huyện đạt nông thông mới nâng cao, xây dựng quê hương ngày một khang trang, giàu đẹp, văn minh, cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh” - đại diện UBND huyện Ninh Giang nêu.

Buổi làm việc giữa Báo Công Thương và đại diện UBND huyện Ninh Giang. Ảnh: Quang Sơn

Theo đó, trước nguyện vọng của người dân về việc muốn giữ lại các câu cầu để làm phương tiện mưu sinh, Chánh Thanh tra UBND huyện Ninh Giang cho hay, hiện tại các hộ dân đang sinh sống, sinh hoạt, kinh doanh có cầu đấu nối với trục đường Đông – Tây của tỉnh có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, vì đường vừa được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Đồng thời, thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường trục Đông - Tây của tỉnh hiện đang ở giai đoạn cuối, việc các hộ cố tình không thực hiện sẽ làm chậm tiến độ dự án.

“Vì vậy, việc để lại các cây cầu xây dựng trái phép là không phù hợp với quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy, an toàn giao thông, cảnh quan và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện” – Chánh Thanh tra UBND huyện Ninh Giang nói.

Cũng theo ông Chánh Thanh tra UBND huyện Ninh Giang, đối với các công trình vi phạm còn lại trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục xem xét và xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

Tháng 12/2023, theo thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh có 3.600 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi và xả nguồn nước thải trái phép vào hệ thống. Các vi phạm công trình còn tồn tại là 3.392 điểm.

Đỗ Nga - Quang Sơn
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận