Hải Dương: Ứng dụng công nghệ vượt trội, hộ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sảnĐưa sản phẩm khoa học đến gần hơn với người nông dân |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, nông nghiệp hiện chiếm 9,7% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, chăn nuôi – thủy sản chiếm 33%. Hiện, tổng đàn lợn 370.000 con; đàn gia cầm 15,5 triệu con; trâu, bò 22.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 143.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 12.000ha; sản lượng thủy sản nuôi trồng 99.000 tấn. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 của địa phương ước đạt 21.500 tỷ đồng.
![]() |
Hải Dương: Nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững |
Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao. Tỉnh Hải Dương cũng có chương trình khuyến nông hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bền vững, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn và tạo ra các vùng nông sản hàng hoá an toàn nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP cho tỉnh và đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
Ngày 13/8/2021, UBND tỉnh Hải Dương đã ký Quyết định số 2271/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Đề án, lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nêu rõ nội dung và mức hỗ trợ cho các đối tượng là cơ sảo chăn nuôi đáp ứng đủ điều kiện đề ra.
Chia sẻ thông tin về Đề án này, bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hải Dương – cho biết, về hỗ trợ sản xuất chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn dịch bệnh, đối tượng hỗ trợ gồm doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình... có quy mô chăn nuôi 60 con lợn nái; 300 con lợn thịt; 3.000 con gia cầm thương phẩm thịt, 1.000 gia cầm đẻ trứng hoặc 30 con trâu, bò thịt trở lên. Về mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở để mua chế phẩm sinh học, cải tạo hệ thống nước thải trong chăn nuôi đáp ứng điều kiện sản xuất theo quy trình VietGAP; chi phí tư vấn, tập huấn 10 triệu đồng/cơ sở; 100% chi phí cấp giấy chứng nhận Chăn nuôi theo quy trình VietGAP, An toàn dịch bệnh động vật.
Về hỗ trợ đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGap cho vùng nuôi trồng thủy sản áp dụng cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô từ 5 ha trở lên. Vùng sản xuất phải phù hợp với quy hoạch, định hướng của địa phương. Các đối tượng đáp ứng yêu cầu sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để mua chế phẩm sinh học và thuốc phòng trị bệnh. Chi phí tư vấn, tập huấn 10 triệu đồng/vùng. Hỗ trợ đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGap 40 triệu đồng/vùng; hỗ trợ chi phí đánh giá lại năm 2 là 20 triệu đồng/vùng.
Vùng nuôi trồng thủy sản có quy hoạch, có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ được hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gồm: hệ thống cấp thoát nước đầu mối, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung, nhưng không quá 100 triệu đồng/ha.
Cơ sở sản xuất nông nghiệp thông minh được hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư kinh phí mua trang thiết bị để sử dụng nền tảng kỹ thuật số trong điều hành sản xuất…tối đa 500 triệu đồng/cơ sở.
Bên cạnh Đề án riêng của tỉnh, Hải Dương còn thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo Nghị quyết số 98/2018/NĐ-CP về hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, các dự án liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất chế biến. Tổng mức đầu tư không quá 8 tỷ đồng/ dự án liên kết. Năm 2021, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt, hỗ trợ 01 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Các kế hoạch liên kết được hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã: mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án. trong giai đoạn 2020 - 2021, tỉnh Hải Dương đã trình và hỗ trợ được 42 kế hoạch liên kết….
![]() |
Ông Bùi Quang Cảnh (xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) khẳng định hiệu quả của chế phẩm sinh học giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi cải thiện môi trường. |
Ngoài các chính sách hỗ trợ theo Đề án, Nghị định 98 ở trên các hộ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn được hưởng các chính sách hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, mô hình khuyến nông…
Theo bà Phạm Thị Đào, trong định hướng phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại địa phương, chúng tôi hướng đến giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng, đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.
Do đó, hiện, chúng tôi đang thí điểm đưa bộ chế phẩm sinh học (JA) do các nhà khoa học của Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản” triển khai tại một số địa phương.
Đến nay, đã có những kết quả bước đầu như giúp tiết kiệm được thức ăn, chuồng trại sạch, hết mùi hôi, không phải sử dụng kháng sinh và hoá chất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng thịt trứng, tăng hiệu quả kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường, xử lý triệt để chất thải và cả xác vật nuôi. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chương trình khuyến nông để nhận rộng các mô hình này trên toàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025”, bà Phạm Thị Đào chia sẻ.