Thí điểm nhiều ứng dụng giao thông hiệu quả
Thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án Giao thông thông minh trong tổng thể Đề án Thành phố thông minh, với thời hạn hoàn thành là tháng 1/2019. Những ứng dụng quan trọng trong Đề án Giao thông thông minh của UBND TP. Hà Nội được tập trung xây dựng gồm: Số hóa cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.
![]() |
Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông có khả năng tự động điều khiển chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với lượng phương tiện trong từng thời điểm |
Đến nay, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông thông minh đã đạt kết quả tích cực. Cụ thể, Hà Nội đã đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và các thiết bị ngoại vi giai đoạn 1. Hiện dự án này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bước đầu đã có hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
“Ngoài ra, thành phố cũng đang tập trung triển khai Dự án thẻ vé điện tử do JICA tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2017-2019; thí điểm triển khai sử dụng Hệ thống vé điện tử trên tuyến BRT 01 từ ngày 10/10/2018; thí điểm lắp đặt Hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm tại bến xe Giáp Bát” - ông Ngô Mạnh Tuấn - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - thông tin.
Đến nay, Sở đã thông báo lỗi vi phạm đến 341 chủ phương tiện, trong đó có 125 trường hợp vi phạm đã đến nộp phạt; chấn chỉnh và nhắc nhở đối với 187 trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức đánh giá kết quả và nghiên cứu, đề xuất mở rộng trên các bến xe khác; thí điểm camera giám sát hỗ trợ công tác quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện áp dụng công nghệ Iparking; camera giám sát và xử lý vi phạm tại nút giao Đại Cồ Việt - Hoa Lư - Tạ Quang Bửu để phân tích tình hình giao thông, điều khiển thông minh theo mật độ giao thông…
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng nỗ lực triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động Iparking. Hiện đã cấp phép cho 115 điểm trông giữ phương tiện áp dụng công nghệ Iparking ở 12 quận; đã triển khai phần mềm GovOne phục vụ công tác quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hà Nội, tiếp tục đề xuất mở rộng phạm vi ứng dụng đối với lực lượng thanh tra giao thông.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, hiện, Sở đang triển khai dự án: “Số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng và phương tiện giao thông” và “Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông”, phối hợp với Tập đoàn FPT xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thí điểm tại số 1 - Kim Mã. Phối hợp với Siemens thí điểm lắp đặt ứng dụng công nghệ mới cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng - Mễ Trì…
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo lộ trình của Đề án Giao thông thông minh, tháng 01/2019, hoàn thành việc lập Quy hoạch phát triển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, trong đó ưu tiên lập Quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi đến năm 2030 để đảm bảo quản lý số lượng xe taxi hợp lý; quy định hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi.
Trong năm 2019 cũng phải hoàn thành xong đề xuất quản lý xe đạp điện tương tự xe máy; hoàn thành việc xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu - cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Đến tháng 6/2020, ban hành quy định lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ô tô và quy định đối với chủ ô tô trên địa bàn thành phố lắp đặt thiết bị phụ trợ để quản lý phương tiện và điều tiết giao thông.
Để phát triển giao thông thông minh trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, Sở sẽ xây dựng khung kiến trúc cho hệ thống giao thông thông minh TP. Hà Nội và tập trung phát triển các thành phần theo khung kiến trúc hệ thống giao thông thông minh. Xây dựng Trung tâm giám sát điều hành giao thông thông minh và hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu số hóa cho hệ thống giao thông thông minh (gồm nhiệm vụ tích hợp các cơ sở dữ liệu sẵn có và xây dựng các cơ sở dữ liệu còn thiếu về hạ tầng, phương tiện, người sử dụng).
Đồng thời, Sở sẽ triển khai các nội dung cơ bản của hệ thống giao thông thông minh gồm: Hệ thống thông tin giao thông; hệ thống quản lý điều hành vận tải công cộng; hệ thống quản lý điều hành giao thông; hệ thống giám sát xử lý vi phạm…