Theo đánh giá của BHXH TP. Hà Nội, tổng số tiền nợ BHXH trên địa bàn giảm dần qua các năm, trong đó, năm 2016, tổng số tiền nợ BHXH là 2.417,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 7,7% kế hoạch thu; năm 2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 1.304 tỷ đồng (giảm 1.113,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 3,8%) kế hoạch thu, đây là năm đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao giảm nợ BHXH.
Tính đến 30/11/2018, có 27.106 đơn vị nợ BHXH, BHYT với 340.313 lao động; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.301 tỷ đồng, giảm 256 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2017. Khối doanh nghiệp Nhà nước nợ 186,1 tỷ đồng (chiếm 14,3% tổng số nợ); doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 1.001,6 tỷ đồng (chiếm 76,9% tổng số nợ); khối hành chính sự nghiệp nợ 48 tỷ đồng (chiếm 3,6% tổng số nợ), các đơn vị khác nợ 65,3 tỷ đồng (chiếm 5,2% tổng số nợ), trong đó không bao gồm các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích là 1.687 đơn vị, tương ứng với số nợ BHXH là 636,3 tỷ đồng.
![]() |
Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ nợ BHXH |
Mặc dù tỷ lệ nợ đọng giảm qua các năm, nhưng lãnh đạo BHXH Hà Nội cho rằng, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT hiện vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, chậm thanh quyết toán với chủ đầu tư dẫn đến số tháng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài, số tiền nợ lớn, cụ thể: Số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp có số tháng nợ từ 24 tháng trở lên (nợ khó thu hồi) là 770,4 tỷ đồng (chiếm 59,2% tổng số nợ).
Ngoài ra, một trong nhưng cản trở chính là nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của chủ sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước, do vậy chủ sử dụng lao động thường xuyên tìm cách trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Bên cạnh đó, người lao động không đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình với chủ sử dụng lao động, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được đảm bảo; công tác đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số nơi chưa sâu sát, quyết liệt; số cuộc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn quận, huyện, thị xã còn ít; công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được quan tâm hơn, tuy nhiên, có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, sâu rộng, hình thức và nội dung tuyên truyền vẫn còn hạn chế.
Trước thực trạng này, để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường các giải pháp giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH Hà Nội đã tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả các kế hoạch, quy chế phối hợp của Tổng cục Cảnh sát và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội; của liên ngành Công an thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, Cục Thuế thành phố, BHXH thành phố đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2020.
Đặc biệt, BHXH Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động. Theo đó, tính đến ngày 30/11/2018 đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 3.296 đơn vị với tổng số tiền nợ 1.009 tỷ đồng, thu hồi được 549,1 tỷ đồng (đạt 54,4%), trong đó: Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 1.148 đơn vị, số tiền thu hồi 237,6 tỷ đồng/485 tỷ đồng (đạt 48,9%); thanh tra thành phố chủ trì thanh tra tại 190 đơn vị, số tiền thu hồi 61,5 tỷ đồng/103,1 tỷ đồng (đạt 59,6%); phối hợp với Công an thành phố kiểm tra liên ngành tại 194 đơn vị, số tiền thu hồi 46 tỷ đồng/64,8 tỷ đồng (đạt 71,1%); thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thanh tra tại 102 đơn vị, số tiền thu hồi 21,7 tỷ đồng/40,2 tỷ đồng (đạt 54%)... BHXH thành phố thực hiện gửi trên 115.761 lượt văn bản đôn đốc thu nợ đến các đơn vị nợ BHXH, số tiền các đơn vị đã nộp tính đến ngày 30/11/2018 trên 900 tỷ đồng.
Thời gian qua, BHXH TP. Hà Nội cũng đã tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động từng bước nâng cao nhận thức trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thực hiện phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo loại hình sản xuất, kinh doanh, thời gian nợ, xác định nguyên nhân nợ, trên cơ sở đó đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thực hiện đôn đốc, thanh tra, kiểm tra; thường xuyên công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và thành phố.
Tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn mới đây, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an - Nguyễn Văn Thành - Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Hà Nội - nhấn mạnh: vấn đề BHXH, BHYT có ý nghĩa quan trọng trong 3 trục xã hội (liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn và an sinh), nếu không quản lý chặt chẽ sẽ liên quan đến an ninh phi truyền thống. Đồng thời, BHXH cũng là chính sách được Trung ương quan tâm. BHXH đã bao quát hầu hết các chính sách BHXH và Việt Nam đã thông qua 8/9 chính sách BHXH; đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng mở rộng, số người thụ hưởng chính sách ngày càng tăng, dần hướng tới yêu cầu chia sẻ với những người ốm đau, tai nạn, bệnh tật...
Với những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công an - Nguyễn Văn Thành - đánh giá, sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành liên quan đã góp phần cho công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP. Hà Nội đạt được những kết quả tích cực. Số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hàng năm đều tăng, số thu luôn đạt và vượt kế hoạch được giao; quyền lợi của người tham gia được bảo đảm, đầy đủ…
Tuy nhiên, thời gian tới, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội cần chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH; triển khai thực hiện nghiêm, đúng pháp luật các quy định về BHXH, BHYT. Đảm bảo nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức. Chủ động giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan BHXH, BHYT; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan làm tốt công tác BHXH, BHYT trên địa bàn thủ đô…