Linh hoạt kịch bản sản xuất
Ông Đinh Hồng Lương - Giám đốc Công ty PMTT - cho biết, nhận thức được tầm ảnh hưởng của Covid-19 tới sản xuất nên công ty luôn rà soát nguồn cung ứng vật liệu đầu vào để kịp thời cập nhật giá cũng như kế hoạch giao hàng. DN cũng tăng cường quản lý quản trị về kinh doanh, cắt giảm chi phí sản xuất… Để bảo đảm sản xuất nhưng vẫn phòng, chống dịch, đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định 5K của Bộ Y tế.
![]() |
Các doanh nghiệp đảm bảo an toàn sản xuất |
Trong lĩnh vực dệt may, theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10, “sống chung với đại dịch”, ổn định sản xuất, May 10 áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp; thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị. Đặc biệt, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vắc xin...
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam - cho hay, M2F không còn thực hiện kế hoạch theo quý, theo tháng, thậm chí cho cả năm; kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ, tùy theo diễn biến thực tế. Ngoài ra, M2F cũng nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để người lao động được sản xuất các sản phẩm chủ lực, mang lại hiệu quả cao; tìm cách cùng các DN khác tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất, từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua, TP. Hà Nội còn nhiều khó khăn do đại dịch, song trên địa bàn, có hơn 13.100 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số DN hoạt động trở lại là 5.687, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Nhận thức rõ thời cơ đang đến, TP. Hà Nội đã chỉ đạo ngành liên quan, quận, huyện, thị xã nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của DN quốc tế ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND thành phố đã có Kế hoạch số 183/KH-UBND về việc đặt mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025. Điều này cho thấy, sự chuẩn bị chu đáo khi Thủ đô ở trạng thái “bình thường mới”. Những khu, cụm công nghiệp trên được hình thành không chỉ là chỗ cho “đại bàng” làm tổ, góp phần cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Song song với nhiệm vụ lâu dài, ngay lúc này, thành phố quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN ổn định, phát triển sau dịch bệnh.
Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội - nhấn mạnh, cơ quan thuế đang kích hoạt hàng loạt các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, DN được hưởng ưu đãi về thuế, từ đó có thêm nguồn lực vượt qua dịch bệnh.
Trong lĩnh vực Công Thương, ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở đã cung cấp miễn phí cho các DN giải pháp khai báo trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19, giúp quản lý chặt chẽ công nhân, người lao động, cập nhật thông tin liên quan đến kiểm soát, phòng, chống dịch nhanh chóng, chính xác. Sở cũng đã ban hành hướng dẫn xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cụm, khu công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất an toàn.
Tiếp tục những chính sách đặc thù
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng nhiều DN nhận định, với tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức còn hiện hữu. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội - cho rằng, DN Thủ đô đã rất nỗ lực, sát cánh cùng chính quyền thành phố thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời, DN kỳ vọng việc cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục... Các khoản hỗ trợ cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.
![]() |
Triển khai linh hoạt các sự kiện xúc tiến thương mại |
Theo các chuyên gia, phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội sau thời gian dài giãn cách nghiêm ngặt là nguyện vọng và quyền lợi chung của cộng đồng DN và người dân Thủ đô. Những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng địa bàn, nhóm ngành đang được xác định và lên kịch bản quán triệt và bám sát các văn bản chủ trương chỉ đạo chung của Trung ương. Đồng thời, thành phố cũng cần chủ động tiếp tục có những chính sách đặc thù phù hợp phân cấp quản lý nhà nước hiện hành và thực tiễn địa phương nhằm hỗ trợ DN tái mở cửa và tái cơ cấu.
Theo đó, cần tập trung vào các giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, hỗ trợ DN thực hiện các đơn hàng, tránh để bị phạt do chậm cung ứng hoặc bị hủy đơn hàng, mất thị trường. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thêm các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn để DN linh hoạt áp dụng. Làm rõ các tiêu chí, điều kiện cụ thể và thời gian DN được phép duy trì một phần hoặc toàn phần hoạt động. Hỗ trợ tối đa cho hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên cơ sở đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy định hành chính và cấp, sử dụng thống nhất mã QR trong quản lý đi lại, vận chuyển liên tỉnh để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu….
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, trong thời gian tới, để bảo đảm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Sở Công Thương sẽ tham mưu thành phố ban hành tiêu chí an toàn trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn DN triển khai phương án bảo đảm sản xuất; tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN để tham mưu, báo cáo thành phố hỗ trợ tối đa cho DN các vấn đề đang vướng mắc về vốn, thị trường, giảm lượng hàng tồn kho. Đồng thời, tham mưu thành phố tiếp tục triển khai các sự kiện xúc tiến thương mại trong điều kiện phòng, chống dịch cho phép; giúp DN tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là DN sản phẩm làng nghề, kích cầu tiêu dùng, phối hợp với ngành du lịch triển khai các triển khai các sự kiện xúc tiến thương mại trong điều kiện phòng, chống dịch cho phép hoạt động sau này.
Dù đã trễ nhịp thị trường, cơ hội đã phần nào qua đi nhưng các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội sẵn sàng tâm thế phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt. |