![]() |
Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội dành khoảng 15.000 tỷ đồng để dự trữ hàng Tết |
Trên 15.000 tỷ đồng dự trữ hàng Tết
Căn cứ vào kết quả thực hiện chương trình hàng Tết năm 2015 cũng như dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các DN sản xuất, kinh doanh thương mại, làng nghề trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15% so với các tháng thường trong năm. Cụ thể, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo có kế hoạch sản xuất, dự trữ, đưa ra thị trường khoảng trên 30.000 tấn bánh mứt kẹo, tương đương 2.500 tỷ đồng. Các DN sản xuất rượu, bia, nước giải khát có kế hoạch sản xuất, dự trữ, đưa ra thị trường trên 190 triệu lít bia và trên 6 triệu lít rượu các loại, tương đương 6.000 tỷ đồng. Các DN, cơ sở sản xuất các sản phẩm sữa sản xuất, dự trữ và đưa ra thị trường 17 triệu lít sữa các loại, tương đương khoảng 450 tỷ đồng…
Chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền khoảng trên 2.700 tỷ đồng. Các ban quản lý chợ (kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô) cũng chủ động tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn TP. Hà Nội vào khoảng 15.000 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Chú trọng bình ổn giá
Để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5454/QĐ-UBND ngày 16/10/2015 phê duyệt cho 10 DN được tạm ứng 236,074 tỷ đồng với lãi suất 0% để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường. Bằng các nguồn vốn huy động khác, các DN đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ với số tiền lên đến 500 tỷ đồng đối với các nhóm hàng như gạo tẻ; thịt lợn; thịt bò; bánh mứt kẹo Tết; sữa nước…
Ông Phạm Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lan Chi – Chủ đầu tư chuỗi siêu thị Lanchi Mart cho biết, Lan Chi dự kiến dành 50 – 70 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường cho dịp Tết năm nay với các mặt hàng như gạo, dầu ăn, sữa, bánh kẹo… Bằng việc chuẩn bị hàng ngay từ bây giờ, sẽ không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá xảy ra trong chuỗi siêu thị của Lan Chi.
Chuỗi siêu thị Metro cũng đưa ra gói kế hoạch hàng Tết khoảng 3.000 tỷ đồng tập trung mạnh vào các mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước như thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng gia dụng, đồ uống… để đảm bảo không có tình trạng thiếu hàng hay tăng giá đột biến.
Theo kế hoạch, Chương trình “Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội” sẽ triển khai nhiều nhóm hoạt động như bán hàng bình ổn tại 1.164 điểm; Tổ chức 23 Tuần hàng Việt trên địa bàn các quận, huyện trên địa bàn thành phố; Tổ chức 30 phiên chợ Việt, 500 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố…
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, tổ công tác liên ngành về bình ổn thị trường sẽ tiến hành kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa của các DN sau khi nhận vốn tạm ứng. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trong đó tập trung vào công tác chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, kiểm tra kinh doanh trái phép…, đảm bảo cho người dân đón một cái Tết vui tươi, an toàn. |