Hà Nội những ngày "cách ly" nhưng không "cách lòng"

Những bó rau, quả bí, cân gạo, gói mì tôm, quả trứng gà, cái xúc xích... là những tặng phẩm giúp người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội vượt qua những ngày cách ly. Những món quà tuy nhỏ nhưng ấm tình người Hà Nội trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Thực hiện cách ly xã hội, đời sống người dân Hà Nội có nhiều xáo trộn trong những ngày đầu tiên. Nhưng người dân Hà Nội bình tĩnh đối mặt với nghịch cảnh theo một cách rất riêng. Hiện tượng tranh mua, tranh bán hàng hoá không diễn ra. Không những thế, nhiều người dân còn san sẻ với nhau những thứ hàng hóa đang tạm thời khan hiếm tại thời điểm đó.

ha noi am tinh nguoi nhung ngay cach ly
Những phần quà tuy bé nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa và thiết thực

Đặc biệt, những ngày qua Hà Nội xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp của những nhà hảo tâm đã nhường cơm, sẻ áo với người khó khăn bằng những phần quà tuy bé nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho người dân cùng nhau chống dịch. Tuy giãn cách xã hội, nhưng người dân, lao động nghèo tại Hà Nội vẫn cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự động viên, chia sẻ của gia đình, bạn bè và cộng đồng.

ha noi am tinh nguoi nhung ngay cach ly
Hà Nội ấm tình người những ngày cách ly

Những ngày này, vùng ngoại thành Hà Nội đang dần hình thành một nếp sống: Cách ly xã hội nhưng không “cách lòng”. Cuộc sống làng quê vẫn êm ả, mỗi người, mỗi nhà có những cách riêng để sống vui, sống khỏe nhưng an toàn và thích ứng với tình hình mới. Họ cũng quan tâm giúp đỡ, chia sẻ với nhau theo cách rất riêng và đặc biệt. Nhà nào trồng được nhiều rau dùng không hết có thể hái xong bó thành mớ treo lên cổng những nhà không trồng được rau. Hoặc có những nhà nuôi gà đẻ biết hàng xóm không có trứng và không đi chợ được có thể sẵn sàng tặng năm, ba quả. 

ha noi am tinh nguoi nhung ngay cach ly
Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn cứ đến lấy mỗi gói mỗi ngày

Trong những ngày cách ly xã hội, trên một số tuyến phố Hà Nội chúng ta được chứng kiến hình ảnh: Hàng trăm suất quà được đóng gói sẵn xếp trên một chiếc bàn rộng, mỗi suất gồm 2 gói mì tôm, 2 xúc xích và 2 quả trứng dành tặng cho những người khó khăn. Phía trên chiếc bàn căng một chiếc băng rôn với dòng chữ: “Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác, chia sẻ cùng nhau vượt qua đại dịch”. Đó là thông điệp của những nhà hảo tâm khiến không ít người Hà Nội thêm ấm lòng. Với phần quà này, mỗi người có thể đủ dùng trong 1 ngày. Điều đáng nói là không chỉ nhận 1 lần, người khó khăn có thể nhận hàng ngày (mỗi ngày 1 túi quà) cho đến khi nào dịch Covid-19 bị đẩy lùi.

ha noi am tinh nguoi nhung ngay cach ly
Cây “ATM gạo” phát miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày phòng chống dịch Covid-19

Những ngày gần đây Hà Nội xuất hiện 3 “cây gạo ATM” hoạt động từ 8 - 17h hàng ngày. Dự kiến gạo sẽ được phát đến ngày 30/4, giúp đỡ cho hàng nghìn người nghèo, người gặp khó khăn tại Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trước khi nhận gạo, người dân được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, lấy thông tin cá nhân và xếp hàng với khoảng cách 2 mét tại các điểm đánh dấu sẵn.

ha noi am tinh nguoi nhung ngay cach ly
Số gạo được các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp đã lên đến hàng chục tấn
ha noi am tinh nguoi nhung ngay cach ly
Những cân gạo trao tận tay những người nghèo khó

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sách Thái Hà và những người bạn đưa ra ý tưởng cho ra đời cây “ATM gạo” với mong muốn không để người dân nào bị “đứt bữa” trong thời điểm dịch bệnh. Biết thông tin về chương trình, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chia sẻ, chung tay đóng góp giú người nghèo vượt qua khó khăn. Người vài chục cân, người một tạ, có người vài tạ, đến nay, số gạo các tổ chức và người dân cùng chung tay đóng góp đã lên đến hàng chục tấn.

ha noi am tinh nguoi nhung ngay cach ly
Cây “ATM gạo” phát miến phí cho người nghèo đến ngày 30/4

Đây là một trong những hành động đẹp, ý nghĩa, đầy ắp nghĩa tình trong đại dịch Covid-19. Những hành động, việc làm đó đang là điểm tựa cho nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực, nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Phạm Tiệp
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận