Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp
Tại cuộc họp giao ban UBND TP. Hà Nội 6 tháng đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội - cho biết, tính đến ngày 23/6, tổng số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2021 là 4.728 dự án, trong đó, ngân sách thành phố 194 dự án, bao gồm 23 dự án khởi công mới, 171 dự án chuyển tiếp; trong đó có 7 dự án vốn ngoài nước; ngân sách quận, huyện, xã, phường 4.534 dự án.
![]() |
Hà Nội: Khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công |
Tổng số kế hoạch vốn được giao theo Quyết định 5568/QĐ-UBND ngày 9/12/2020 của UBND TP. Hà Nội (không bao gồm phần giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển và ghi thu ghi chi các dự án BT qua Sở Tài chính) 42.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 19.164 tỷ đồng; ngân sách quận, huyện, xã, phường 23.415 tỷ đồng.
Đến hết ngày 23/6/2021, đối với ngân sách thành phố, có 30 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung, trong đó, 10 đơn vị chưa giải ngân. Đối với ngân sách quận, huyện, xã, phường, có 10 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của thành phố. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách địa phương qua Kho bạc (không bao gồm giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển và ghi thu, ghi chi nguồn tiền sử dụng đất đối ứng cho các dự án BT) mới chỉ đạt 19,27% kế hoạch, thấp hơn 4,13% so với năm 2020 (năm 2020 là 23,4%).
Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng trên do diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, việc thi công công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, thời gian đầu năm kế hoạch, đối với dự án khởi công mới và các gói thầu mới, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng rồi mới tiến hành thi công xây dựng nên chưa có hồ sơ gửi Kho bạc để tạm ứng hoặc thanh toán.
Kịp thời gỡ khó
Mặc dù vậy, có nhiều dự án vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ngay trong tháng 5/2021, TP. Hà Nội đã đôn đốc chủ đầu tư gấp rút hoàn thành sáu nhánh nối cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đoạn lên - xuống đường vành đai 3, nút giao Nam Thăng Long để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tham gia giao thông trên toàn tuyến. Tổng kinh phí xây dựng 6 nhánh nối 207 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng giữa tháng 7/2021 để hoàn thành toàn bộ dự án giao thông quan trọng này.
![]() |
Nhiều dự án vẫn cố gắng vượt khó, đẩy nhanh tiến độ triển khai |
Dự án Nhà máy nước thải Yên Xá hiện cũng đang gặp khó khăn do nhiều thiết bị trong Gói thầu số 1 phải nhập khẩu từ EU và Nhật Bản bị chậm trễ. Đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội cho biết, trong lúc chờ các hạng mục, thiết bị được nhập khẩu về, các hạng mục khác đã được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành các công trình tạm, thi công cọc thí nghiệm, đào đất và hạng mục khoan kích ngầm...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 19/5/2021 về khắc phục hạn chế trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển của thành phố. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ xây dựng cơ bản của các dự án (nếu có) trong 6 tháng đầu năm 2021 và khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới. Đồng thời, thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; không dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm.
Theo ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang thấp như hiện nay, TP. Hà Nội đã đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đề nghị 6 tổ công tác họp với chủ đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc kịp thời.
Theo mục tiêu đặt ra của thành phố, trong quý III/ 2021, phải giải ngân vốn đầu tư công được 60% và cả năm đạt 100%. Để làm được điều này, TP. Hà Nội đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Hà Nội đến các tỉnh, thành phố; khởi công các cụm công nghiệp theo đúng tiến độ.
Bên cạnh các nhiệm vụ được giao, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, 6 tháng cuối năm 2021, Kho bạc Nhà nước sẽ rút ngắn thời gian kiểm soát chi, nhiều khoản chi được thanh toán trước thời gian quy định, đảm bảo không có hồ sơ tồn đọng. Cập nhật số liệu giải ngân của từng dự án, từng chủ đầu tư, trên cơ sở thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải thông tin về tình hình giải ngân trên trang thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư để các chủ đầu tư nắm bắt và thực hiện.
Kho bạc Nhà nước đề nghị các doanh nghiệp khôi phục tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đối với các dự án đã có khối lượng khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian quy định để gửi Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán. Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ vốn linh hoạt cho công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng để các dự án giải ngân kịp thời.
Kho bạc Nhà nước Hà Nội cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết tương tự như Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. |