Hà Nội: Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang có chiều hướng phát sinh mạnh

Từ 1/5 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn. Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội) chia sẻ tại Hội nghị giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tổ chức chiều nay (14/5).

Hiện Hà Nội có tổng đàn lợn trên 1,9 triệu con, lớn thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Đồng Nai). Theo báo cáo Sở NN&PTNT Hà Nội, kể từ khi ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) ngày 24/2/2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi (chiếm 9,62 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) tại 1.206 thôn, tổ dân phố/346 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 120.782 con (chiếm 6,45% tổng đàn) với trọng lượng 8.165.079kg.

\"ha
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin về dịch tả lợn châu Phi tại buổi giao ban báo chí

Thời gian qua dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, đáng chú ý, từ 1/5 đến nay, dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn; trong giai đoạn này dịch bệnh đã phát sinh thêm 4.201 hộ, 541 thôn, 106 xã; với tổng số lợn phải tiêu hủy là 67.646 con trọng lượng 4.643.319 kg; bình quân số lượng lợn phải tiêu hủy 5.204 con/ ngày với trọng lượng 357.178 kg.

Đến nay, có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương (cấp xã) dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, hiện Thành phố có tổng đàn lợn lớn đứng tốp đầu cả nước tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao. Việc tiếp giáp với nhiều tỉnh, địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm cả về đường không, đường bộ, đường thủy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất cao. Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm, trả lời kết quả xét nghiệm còn mất nhiều thời gian (2-3 ngày mới có kết quả) đã gây khó khăn trong việc quản lý, tiêu hủy lợn ốm, chết và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc tiêu hủy số lượng lớn lợn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, quản lý hố chôn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái….

Trong khi dịch đang diễn biến phức tạp thì việc các hộ chăn nuôi lớn, áp dụng đầy đủ quy trình an toàn sinh học hiện nay đến kỳ xuất bán không xuất bán được lợn nếu chỉ cho tiêu thụ trên địa bàn cấp xã, huyện. Điều này phát sinh hệ lụy làm lây lan dịch bệnh và gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi.

Đề công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thời gian tới hiệu quả, ông Sơn đề nghị Chính phủ có chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng chống dịch bệnh; kiểm soát kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn phù hợp thực tế. Phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng\" lại với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bố trí địa điểm tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định. Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra sáng 13/5, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay, trong công tác ứng phó hiện nay vẫn còn một số bất cập như chế độ bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ làm công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn hiện còn thấp. Trong khi lao động tự do hiện nay còn được trả 250.000 - 300.000 đồng/ngày công thì cán bộ làm công tác phòng chống dịch chỉ được trả 100.000 đồng/ngày là không đảm bảo…”.

Bên cạnh đó, việc chưa có quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp chăn nuôi lợn là rất đáng lo vì những doanh nghiệp này bị dịch mà không được hỗ trợ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.

Để phòng chống dịch hiệu quả, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên tinh thần cấp bách; và sẽ chủ động phát triển đàn gia súc, gia cầm để ứng phó với tình trạng thiếu hụt thịt lợn.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận