Sáng ngày 25/7, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn và công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản TP. Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019.
Xây dựng được trên 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ
Ngày 19/5/2015, Bộ NN&PTNT đã Ban hành Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP. Hà Nội. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP. Hà Nội, sau 4 năm triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP. Hà Nội, đến nay, đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (tăng 184 chuỗi, đạt tỷ lệ 34% so với năm 2018).
![]() |
Hà Nội đã triển khai xây dựng được 727 chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn với các tỉnh, thành phố |
Riêng TP. Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong đó, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê… Đã cấp 8 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi.
Cùng với việc phát triển các chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp phân phối… thực hiện nhiều hình thức, giải pháp để hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh. Đáng chú ý, thành phố đã xây dựng, hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP. Hà Nội với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn đã chuyển sang địa chỉ check.gov.vn. Đến nay, thành phố đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 236 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 4.000 mã sản phẩm (tăng 1.000 mã sản phẩm so với cuối năm 2018).
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Sở NN&PTNT 21 tỉnh, thành phố thuộc ban điều phối Chương trình rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trọng tâm là các vùng chuyên canh rau củ quả tập trung, quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ xa khu dân cư… nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội - đánh giá, cả nước hiện có khoảng 1.200 chuỗi cung cấp rau thịt an toàn, trong đó, Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh đã làm được 727 chuỗi, việc phát triển các chuỗi cung cấp này có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ chứng minh về nguồn gốc và an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển chuỗi rau, thịt an toàn với các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại. Cụ thể, việc triển khai mô hình liên kết sản xuất còn nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế; công tác dự báo thị trường tiêu thụ, tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; việc tuyên truyền tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố theo địa chỉ hn.check.net.vn và đăng ký mã QR cho sản phẩm của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa nhận thức được những lợi ích; các quy định bắt buộc tham gia hệ thống và đăng ký mã QR cho sản phẩm chưa bắt buộc.
Sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019, ông Tạ Văn Tường cho hay, cùng với việc phát triển chuỗi rau, thịt an toàn, Hà Nội sẽ lựa chọn, nhân rộng ra thêm nhiều sản phẩm khác. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý vấn đề ATTP tại chợ đầu mối trên địa bàn vì đây là nơi luồng sản phẩm của các tỉnh đi qua rất lớn. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để có thể sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội – nhấn mạnh: Kết quả thực hiện thời gian qua là rất tích cực, nhưng cần quyết liệt hơn, cụ thể hoá thành hành động. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng nông sản được đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập hiện nay đòi hỏi Hà Nội đã thực hiện nhưng cần tổ chức tốt hơn nữa để đưa nông sản Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung từng bước tiến ra thế giới.
Cùng với việc phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn, ông Nguyễn Văn Sửu đề nghị, Hà Nội cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản và chợ thương mại điện tử. “TP sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động”, ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu mong muốn các tỉnh, thành phố chung tay cùng Hà Nội quan tâm, thúc đẩy việc cung ứng hàng hoá, phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán cho Thủ đô. Trong đó, chú trọng tìm kiếm các mặt hàng thay thế thịt lợn, đa dạng mặt hàng…
Tại hội nghị, TP. Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt, nông sản an toàn với 21 tỉnh, thành phố cùng một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các đơn vị cần phối hợp triển khai để việc ký kết này thực sự đạt hiệu quả.