Xác định vấn đề ưu tiên
Theo ông Trần Văn Lượng Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, với trên 3.000km bờ biển hàng năm chúng ta thải ra đại dương gần một triệu tấn rác thải nhựa, đây là thực trạng và thách thức đối với Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề phải có những giải pháp tổng thể từ sản xuất- phân phối- tiêu dùng đến công nghệ xử lý, tái chế. Chúng ta phải xác định được vấn đề cấp bách cần ưu tiên giải quyết sớm. Trước mắt theo tôi khâu quan trọng nhất là tái chế và chuyển đổi công nghệ để có sản phẩm thay thế túi nilon sử dụng một lần khó phân hủy.
![]() |
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa |
Chia sẻ về vấn đề tái chế TS. Nguyễn Đình Trọng- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-Tech - cho rằng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng sản phẩm hạt nhựa tái chế thay vì phải mất lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu.
Về sản phẩm thay thế, theo TS. Cao Văn Sơn- Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenlulo vẫn còn những khó khăn. Bên cạnh giá thành sản xuất cao vào khoảng trên 3.000 đồng/sản phẩm thì khi sản xuất các đối tác yêu cầu chủng loại, kích thước mẫu mã phải phù hợp với từng loại sản phẩm trong khi số lượng để sản xuất mỗi loại đòi hỏi phải đủ lớn thì mới có thể sản xuất được
Khuyến khích tái chế bao bì
Siêu thị là nơi có hàng nghìn lượt người mua sắm mỗi ngày, tương đương với hàng nghìn sản phẩm bao bì nhựa, túi nylon đưa ra môi trường, trong những năm gần đây các siêu thị đã có những hành động cụ thể để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa trong tiêu dùng.
Tuy nhiên, chỉ hành động của doanh nghiệp phân phối thôi thì chưa đủ, để giảm thiểu rác thải nhựa một cách triệt để cần có ý chí, quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước với những chính sách cụ thể để khuyến khích tiến tới là yêu cầu doanh nghiệp và người dân phải có trách nhiệm trong vấn đề này.
Cũng theo ông Trần Văn Lượng - chúng ta chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm túi phân hủy sinh học, trong khi chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích các đơn vị sản xuất sản, đơn vị phân phối sử dụng sản phẩm thay thế túi nilon. Vì vậy, ông Trần Văn Lượng và các chuyên gia đều nhận định, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm thay thế túi nilon. Các doanh nghiệp phân phối có thể chia sẻ lợi nhuận thông qua việc hỗ trợ một phần nhà sản xuất để sản phẩm thay thế túi nilon có giá thành cạnh tranh hoặc có thể phát miễn phí cho người tiêu dùng. Có như vậy mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa mà Việt Nam đặt ra mới sớm về đích.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng sản phẩm hạt nhựa tái chế; hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm thay thế túi nilon. |