![]() |
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp |
Những năm qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi hóa thương mại để hội nhập khu vực, quốc tế. Sự nỗ lực và quyết liệt của Chính phủ được thể hiện rõ nét nhất qua việc ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 (Nghị quyết 19).
Theo ông Ngô Hải Phan, Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu cải thiện 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Môi trường kinh doanh. Cụ thể, về khởi sự kinh doanh, Chính phủ đặt mục tiêu nâng thứ hạng từ 121 lên 70 năm 2017 và 50 năm 2020. Với cấp phép xây dựng và các thủ tục có liên quan, Chính phủ mong muốn rút ngắn thời gian từ 166 ngày xuống dưới 120 ngày năm 2017 và dưới 90 ngày năm 2020. Chính phủ cũng đề ra mục tiêu giảm từ 5 xuống 4 thủ tục, rút ngắn thời gian từ 46 ngày xuống dưới 35 ngày năm 2017 và dưới 30 ngày năm 2020 trong vấn đề tiếp cận điện năng.
Về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, Việt Nam cố gắng giảm từ 57,5 ngày xuống dưới 20 ngày năm 2017 và dưới 15 ngày năm 2020. \"Nâng hạng tiếp cận tín dụng từ 32 lên 30 năm 2017 và 25 năm 2020, đồng thời bảo đảm hiệu quả thực thi các quy định về bảo vệ nhà đầu tư cũng là chỉ số quan trọng\"- ông Ngô Hải Phan chia sẻ.
Ngoài ra, Chính phủ quyết tâm giảm thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội từ 540 giờ xuống dưới 168 giờ năm 2017. Giảm thời gian xuất khẩu từ 108 giờ xuống 70 giờ năm 2017 và 60 giờ năm 2020, giảm thời gian nhập khẩu từ 138 giờ xuống 90 giờ năm 2017 và 80 giờ năm 2020.
Ông Ngô Hải Phan cho biết thêm, Chính phủ còn đề ra mục tiêu giảm thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống dưới 300 ngày năm 2017 và dưới 200 ngày năm 2020. Đi kèm với đó là giải quyết phá sản doanh nghiệp, giảm từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng năm 2017 và dưới 24 tháng năm 2020.
Bên cạnh 10 chỉ số thành phần, Chính phủ đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ, với 351 đầu việc giao cho 27 bộ, ngành, cơ quan, địa phương và 1 nhóm nhiệm vụ đề nghị Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả, theo ông Ngô Hải Phan, giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp và đề cao trách nhiệm của các bộ đầu mối theo dõi cải thiện 4 chỉ số đề cập tại Nghị quyết 19.
Về phía doanh nghiệp, Chính phủ mong muốn khối này chủ động phát hiện, phản ánh khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời nghiên cứu và đề xuất phương án tháo gỡ cụ thể, cung cấp thông tin về việc thực hiện tại các quốc gia có đặc điểm tương đồng để cơ quan nhà nước có căn cứ xem xét, sửa đổi và bổ sung.
Văn phòng Chính phủ sẽ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19; kịp thời phát hiện và tổng hợp những khó khăn; đồng thời phối hợp cùng các cơ quan tổ chức đối thoại với doanh nghiệp có ý kiến phản biện chính sách thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Vị trí Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số so sánh quốc tế năm 2016: - Chỉ số Môi trường kinh doanh: Đứng thứ 82/190 quốc gia xếp hạng; mục tiêu năm 2017 là thứ hạng 70; năm 2020 là thứ hạng 60. - Chỉ số Năng lực cạnh tranh: Đứng thứ 60/138 quốc gia xếp hạng; mục tiêu 2017-2020 là thứ hạng 36. - Chỉ số Năng lực sáng tạo: Đạt 35,4 điểm, xếp thứ 59; mục tiêu 2017-2020 đạt 38,5 điểm, thứ hạng 44. - Chỉ số Chính phủ điện tử: Đạt 0,514 điểm, xếp thứ 89; mục tiêu 2017-2020 đạt 0,58 điểm, thứ hạng 65-70. |