![]() |
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang có những biểu hiện biến tướng, trục lợi đáng lo ngại |
Ngăn chặn biến tướng
Trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, lên đồng là nghi lễ chính và là trung tâm của di sản. Đây thực chất là hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng, nhập của các vị thần. Tuy nhiên, nghi thức nhạy cảm này đang có nguy cơ bị lạm dụng, làm biến dạng như: Được tổ chức ở các nơi không có điện thờ Mẫu, hay diễn ra tràn lan ở nhiều di tích có ý nghĩa lịch sử như chùa Một Cột, đền Hai Bà Trưng… Đặc biệt, rất nhiều chùa gần đây lảnh lót cung văn, người đội lễ mâm xôi thủ lợn, khăn áo sặc sỡ ra vào, vung tiền ném lộc làm ảnh hưởng đến cửa thiền thanh tịnh.
Trước những diễn biến đó, Bộ VHTT&DL chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương ngăn chặn tình trạng trên. Cụ thể: Quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng. Tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp, bản sắc văn hóa của di sản, không lợi dụng kiếm lợi, lôi kéo và xúi giục người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan. Bộ này cũng tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản để cộng đồng có thông tin đầy đủ, hiểu biết khoa học. Qua đó, cộng đồng chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách đúng đắn; giảm thiểu những hành động \"buôn thần bán thánh\". Ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền, lợi dụng niềm tin vào các vị thánh của người dân để tuyên truyền, cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ di sản.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trong Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Bộ VHTT&DL kêu gọi các bộ, ngành, cộng đồng các địa phương tiếp tục nhận diện giá trị di sản; giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, đạo lý phụng thờ người Mẹ của Việt Nam. Tôn vinh cá nhân, cộng đồng có đóng góp gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Đồng thời, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, loại bỏ hành vi lợi dụng di sản để trục lợi hoặc các hành vi làm biến dạng di sản.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên, báo chí sẽ là kênh quan trọng để giới thiệu, quảng bá rộng rãi về di sản cho công chúng trong và ngoài nước. Bà Liên mong muốn báo chí sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản, từ đó những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy kế thừa, phát triển một cách đúng đắn.
\"Việc tuyên truyền được đẩy mạnh là dịp để các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp, bản sắc văn hóa của người Việt trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; không phán truyền sai lệch, không trục lợi. Đồng thời, vinh danh, khuyến khích các cung văn giỏi, có công sưu tầm, truyền dạy hát văn, kết hợp với thủ nhang, thầy đồng gương mẫu trong thực hành đúng về di sản\" - bà Liên nhấn mạnh.
GS. Nguyễn Chí Bền - Chủ trì soạn thảo hồ sơ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Việc xác định chuẩn trang phục cần phải phân biệt rõ 3 đối tượng là chủ thể sáng tạo, người thực hành và khách thể; trang phục có được cộng đồng chấp nhận hay không. Không thể ủng hộ việc mang hầu đồng ra khỏi đền, phủ thờ Mẫu và không phải chùa nào cũng có thể tổ chức hầu đồng. |